Đời sống

Vị bác sĩ duy nhất từng xin thôi chức Thứ trưởng Bộ Y Tế, có công trình nghiên cứu khiến thế giới nể phục

Vị bác sĩ duy nhất từng xin thôi chức Thứ trưởng Bộ Y Tế, có công trình nghiên cứu khiến thế giới nể phục

Sau 14 năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, vị giáo sư, bác sĩ này đã xin từ chức để trở về làm công tác chuyên môn, ông từng khiến cả thế giới nể phục với ‘Phương pháp mổ gan khô’.

GS. Bác sĩ Tôn Thất Tùng (10/5/1912 – 7/5/1982), ông sinh ra tại Thanh Hóa, Tuy nhiên 3 tháng tuổi thì thân sinh của ông qua đời, mẹ ông đã đưa cả gia đình vào Huế sinh sống. Dù sinh ra trong gia đình quý tộc (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên – Tổng đốc Thanh Hóa) nhưng ông không theo nghiệp làm quan của gia tộc mà quyết định đi theo Tây học.

grabf4c95giao-su-ton-that-tung-3-e1587467753402-1718353885.jpg
 
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng.
 

Thuở nhỏ ông theo học tại trường Quốc học Huế, năm 1931, ông ra Hà Nội theo học trường Trung học Bảo Hộ (tức trường Bưởi – trường THPT Chu Văn An ngày nay). Năm 1935, ông thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội, một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương Trường có quan niệm nghề y là nghề "tự do", không phân biệt giai cấp.

Trong những ngày Cách mạng tháng 8/1945, giáo sư Tôn Thất Tùng vinh dự được khám chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho biết, lần đầu tiên gặp Bác, tâm hồn của ông đã được ánh sáng của Đảng, cách mạng soi sáng dưới đôi mắt của Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã đặt tên cho con trai thứ 3 của giáo sư Tôn Thất Tùng, người sau này là PGS. Viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.

hcm-1718353885.jpg
 
 Cố GS.BS Tôn Thất Tùng (đeo kính) giới thiệu về Bệnh viện Việt Đức với Bác Hồ trong một lần Người đến thăm bệnh viện. Ảnh: Tư liệu

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Cũng như các trí thức khác của nước ta, Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn luôn được Đảng và Bác Hồ quan tâm, giúp đỡ và đặt nhiều niềm tin.

Năm 1947, Giáo sư Tôn Thất Tùng được Chính phủ cử giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế, với trọng trách xây dựng và phát triển nền y tế trở thành một mặt trận kháng chiến và lớn mạnh về sau. Ông giữ chức vụ này trong vòng 14 năm với nhiều cống hiến, đặc biệt là cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ tổ chức sản xuất thành công thuốc Penicillin (Pênêxilin) phục vụ điều trị vết thương cho quân đội từ chiến trường Biên giới cho tới chiến trường Điện Biên Phủ. Đến năm 1961, giáo sư Tôn Thất Tùng quyết định xin từ chức Thứ trưởng Bộ Y tế để tập trung vào nghiên cứu 1 phương pháp mới trong phẫu thuật gan.

Giáo sư Tôn Thất Tùng đã làm rạng rỡ nền Y học Việt Nam trên thế giới với “Phương pháp mổ gan khô” hay còn  được gọi "Phương pháp Tôn Thất Tùng” được công bố năm 1960. Nhờ ohuowng pháp này, tỷ lệ tử vong trong phẫu thuật gan đã được giảm thiểu đáng kể, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội được sống sót. Phương pháp này được cả thế giới công nhận và vinh danh. Cái tên Tôn Thất Tùng từng được báo Lyon Phẫu thuật (Lyon chirurgical - Pháp) vinh danh vào năm 1964: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch”. Ngoài thành công là một bác sĩ giỏi về phẫu thuật gan, Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng là bác sĩ đầu tiên thực hiện mổ tim thành công ở Việt Nam…

tonthattung1912-21071467-1718353888.jpeg
 
Cố giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng. 
 

Suốt cuộc đời gắn bó với ngành y học, giáo sư Tôn Thất Tùng để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Với những đóng góp to lớn về y học trong nước và quốc tế, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hoà Dân chủ Đức, thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, thành viên Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật Algeri…

Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Từ năm 2000, Nhà nước ta đã đặt ra một giải thưởng Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.