Cụ ông duy nhất 70 tuổi vẫn được Bác Hồ mời về làm bộ trưởng, từng thay Người điều hành đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao trình độ, tầm nhìn của người này. Thế nên dù ông đã 70 tuổi, Người vẫn nhất quyết mời ra làm bộ trưởng, thậm chí sau đó là giao phó chức Quyền Chủ tịch nước khi mình đi vắng.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nhanh chóng được lập ra với Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Chức vụ bộ trưởng của các bộ khi đó được chọn lựa rất kỹ càng.
Trong bức ảnh Nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có một cụ ông mặc áo dài, đứng bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là Bộ trưởng Nội Vụ đầu tiên của nước ta. Ông nhận chức khi đã gần 70 tuổi. Người được nhắc đến chính là cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947), quê ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ được cho ăn học tử tế từ nhỏ. 7 tuổi đã học chữ Nho, 13 tuổi đã viết văn hay, sau này thi đỗ Giải Nguyên (năm 1900), Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ (năm 1904). Với kiến thức sâu rộng, thành tích vượt trội đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng được mệnh danh là một trong tứ hổ của đất Quảng (cùng với Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến, Phạm Liệu).
Tài giỏi nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không làm quan vì không muốn khuất phục trước quân ngoại xâm. Thay vào đó, cụ tham gia các phong trào yêu nước cùng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp. Bộ ba này từng làm nên phong trào chống thuế của nông dân nghèo các tỉnh miền Trung. Để đàn áp họ, thực dân Pháp đành phải đày 3 người ra Côn Đảo suốt 13 năm trời.
Ngày trở về, cụ từng trúng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, được cử làm Viện trưởng. Nhưng không bao lâu sau cụ từ chức vì bất đồng quan điểm với chính quyền thực dân. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, cụ Huỳnh được Bảo Đại mời cộng tác nhưng cụ cũng khước từ.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ Huỳnh khi đó gần 70 tuổi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Thủ đô gặp mặt để bày tỏ một vài ý kiến. Khi đó, nền độc lập của nước ta vẫn còn non trẻ, đối diện nhiều thử thách, nhưng với uy tín của Bác, cụ Huỳnh đã đồng ý tham chính. Sau này, cụ Huỳnh đóng góp rất nhiều trong việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chặn đứng âm mưu phá hoại của kẻ thù.
Và trong ngày ra mắt Chính phủ Liên hiệp (02/3/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng “một người đạo đức danh vọng mà quốc dân ai cũng biết” làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một vị trí rất quan trọng trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Đến tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp. Lúc bấy giờ, Bác tin tưởng giao phó chức Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và để lại lời dặn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
4 tháng sau Bác trở về và đánh giá: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh, quyền Chủ tịch, sự săn sóc của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ảnh tư liệu
Sau này, chính cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý miền Trung, Cụ cũng là người đã viết bức thư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến”, hưởng ứng lời Kêu gọi toàn nước kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến giờ phút hấp hối, biết mình khó qua khỏi, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã gửi lời đến mọi người: “Kêu gọi anh em các đảng phái tôn giáo hãy đặt hết lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc”.
Còn với Bác Hồ, cụ Huỳnh gửi bức điện cuối cùng: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp Độc lập và Dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc”.
Tượng bán thân chí sĩ - nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đặt tại Trung tâm Báo chí tỉnh Quảng Nam, số 11 Hùng Vương, TP. Tam Kỳ. Ảnh: Báo Thanh Niên
Ngày 21/4/1947, cụ Huỳnh từ trần. Biết tin, Bác Hồ đã bày tỏ sự tiếc thương vô ngần trong một bài thơ điếu, có đoạn:
“... Tháng Tư tin buồn đến - Huỳnh Bộ trưởng đi đâu - Trông vào Bộ Nội vụ - Tài đức tiếc thương nhau - Đồng bào ba chục triệu - Đau đớn lệ rơi châu”.