Đời sống

Vị Bộ trưởng duy nhất ở Việt Nam 30 năm chưa vào Đảng, do đích thân Bác Hồ thuyết phục nhận chức

Vị Bộ trưởng duy nhất ở Việt Nam 30 năm chưa vào Đảng, do đích thân Bác Hồ thuyết phục nhận chức

Vị Bộ trưởng này là người có thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất. Ông là người có học vấn uyên thâm nổi trội, nhưng suốt gần 30 tại nhiệm lại “ở ngoài Đảng”.

Đầu thế kỷ 20 ở nước ta, có một người Bộ trưởng đặc biệt, dù học vấn uyên thâm đỉnh cao, lại giữ chức vụ then chốt trong Chính phủ Việt Nam đương thời, nhưng suốt gần 30 năm tại nhiệm lại chưa vào Đảng. Dù vậy, ông vẫn dốc trọn tâm sức, trí tuệ để phục vụ ngành giáo dục và đất nước. Ông chính là cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.

bo-truong-nguyen-van-huyen-4
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. Ảnh tư liệu

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975), là bậc trí thức hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ trước. Ông là người đầu tiên của nước ta tốt nghiệp hai bằng cử nhân và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa bộ môn sử - địa tại Đại học Tổng hợp Sorbone (Pháp) vào năm 26 tuổi. Sau khi đỗ tiến sĩ, ông Nguyễn Văn Huyên về nước và đặt mục tiêu chỉ giảng dạy, nghiên cứu khoa học chứ không làm quan.

Nào ngờ, không ai nói trước được số phận. Năm 1938 ông Nguyễn Văn Huyên tham gia Ban Trị sự Hội truyền bá quốc ngữ do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương. Sau khi đất nước độc lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho vị trí Tổng Giám đốc Vụ Đại học Bộ quốc gia Giáo dục kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ.

bo-truong-nguyen-van-huyen-5
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (người thắt cà vạt đen ở giữa) cùng với các trí thức trẻ người Việt học tại Pháp năm 1928. Ảnh tư liệu

Đầu tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời GS Ngụy Như Kon Tum đến gặp, muốn giao chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho ông. Nhưng vị giáo sư xin từ chối: “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”. Nghe vậy, Hồ Chủ tịch đề nghị GS tiến cử người khác, ông trả lời ngay rằng: “Người làm Bộ trưởng Giáo dục tốt nhất là GS-TS Nguyễn Văn Huyên”.

Sau khi tham khảo ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có sự ủng hộ tương tự, Bác quyết định mời GS.TS Nguyễn Văn Huyên đến và thuyết phục ông nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Cũng từ đó, ông Nguyễn Văn Huyên chính thức làm Bộ trưởng vào năm 38 tuổi.

bo-truong-nguyen-van-huyen-7
Dịp nghỉ hè GS Nguyễn Văn Huyên và người bạn thân Nguyễn Mạnh Tường hay về các vùng nông thôn tìm hiểu cuộc sống người dân. Ảnh tư liệu
bo-truong-nguyen-van-huyen-8
Một buổi đi chơi của GS Huyên cùng bạn bè ở Pháp. Ảnh tư liệu

Trong thời gian ông tại vị, đất nước vẫn đang kháng chiến trường kỳ, có đến 95% dân mù chữ. Thế nhưng, bằng nhiệt huyết, cái tâm, cái tài của người bộ trưởng này mà hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn phát triển. Các lớp bình dân học vụ, giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học đều được mở rộng. Đến năm 1950, nước ta đã có 10 triệu người được xóa mù chữ, học sinh phổ thông tăng lên 44 vạn…

bo-truong-nguyen-van-huyen-3
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Quốc khánh Mông Cổ năm 1971. Ảnh: Tư liệu

Nhưng đặc biệt là, trong suốt gần 30 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Văn Huyên là người “ngoài Đảng”. Chuyện này từng khiến ông trăn trở, nhận về nhiều lời dị nghị. Trước tình thế đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên từng xin từ chức với lý do chưa phải Đảng viên nên có thể gặp khó khi làm công tác chỉ đạo ngành.

Biết chuyện, Bác Hồ đã trực tiếp đến gặp và nói chuyện với Bộ trưởng Huyên. Người khuyên ngăn: “Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ phải là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân vì nước”.

bo-truong-nguyen-van-huyen-2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (thứ hai, từ trái sang) trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán tại Fontainebleau (Pháp) năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Đến năm 1960, chi bộ văn phòng Bộ Giáo dục đã giới thiệu và kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Nhưng trong khi Đảng ủy cơ quan Bộ giáo dục và Đảng ủy Văn phòng Trung ương đồng ý, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại góp ý: “Để chú Huyên ngoài Đảng sẽ có lợi hơn là trong Đảng”.

Người cũng tâm sự riêng với Bộ trưởng Huyên: “Chú ở ngoài Đảng thì có lợi cho cách mạng hơn, nên sẽ không kết nạp vào trong Đảng. Nhưng tất cả các cuộc họp chi bộ, Đảng bộ, Đảng đoàn đều phải mời Bộ trưởng tham dự”.

bo-truong-nguyen-van-huyen-6
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trong một lần về thăm cơ sở giáo dục. Ảnh tư liệu

Tiếp thu ý kiến của Bác, chuyện kết nạp Đảng cho ông Huyên lại dừng lại. Tuy nhiên, theo chỉ thị của Trung ương, nhất thiết trong mọi quan hệ với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Đảng đoàn và Đảng ủy Bộ giáo dục phải nhìn nhận ông như “một đảng viên chưa vào Đảng”.

bo-truong-nguyen-van-huyen-1
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cùng vợ Vi Kim Ngọc. Ông là người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục 29 năm và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ảnh tư liệu

Gần 30 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là người giữ vị trí này lâu nhất, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lại chưa vào Đảng. Ấy thế nhưng ông vẫn dốc hết tài năng, tâm sức để cống hiến cho ngành giáo dục. Cho đến tận hơi thở cuối cùng, vị Bộ trưởng “bác học uyên thâm” này vẫn trăn trở với sự nghiệp cải cách giáo dục.