Sau khi nắm rõ được những ý kiến của cư dân mạng về thông tin thí điểm ‘Xử phạt người độc thân’, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng đính chính.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra ý kiến, đề nghị thí điểm “Xử phạt người độc thân”. Đa số mọi người đều để lại bình luận thể hiện sự hoang mang và không đồng tình với phương án này.
Sau khi nắm được diễn biến trên, vào ngày 27/8, Bộ Y tế chính thức lên tiếng khẳng định đây là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận.
Trên thực tế, vào ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn số 4737 về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP HCM trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung cử tri đề nghị “có biện pháp cụ thể để nâng tỉ lệ sinh ở các vùng đô thị…”.
Nội dung văn bản cho biết nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý góp phần vào sự phát triển dân số bền vững, ngày 28-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588 phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con… (không có nội dung xử phạt người độc thân).
Từ những dẫn chứng trên, Bộ Y tế khẳng định một lần nữa thông tin về việc xử phạt người độc thân là thông tin sai sự thật, cố tình xuyên tạc gây hiểu lầm, bức xúc trong xã hội.
Trước đó, khi nói về mức sinh của Việt Nam, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, tuy nhiên chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp. Năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị.
Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế có biện pháp cụ thể để nâng tỉ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số, từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.