Sóc Trăng: Cây bàng ‘ông’ chết đi, cây bàng ‘bà’ tuổi đời hơn 4 thế kỷ cũng bị héo úa suốt nhiều năm
Cây bàng đá hơn 400 năm tuổi được trồng ở khuôn viên đình Phụng Tường (ấp Phụng Tường, xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng). Cây cao ngút ngàn với tán lá rộng phủ mát cả góc sân đình và bộ rễ đồ sộ nhô cao trên mặt đất. Được nhiều người đánh giá là đạt đến độ cổ - lão hiếm thấy.
Theo chia sẻ của bà Dương Thị Xê (82 tuổi, người trông coi đình Phụng Tường), trước đây đình có 2 cây bàng, được người dân địa phương gọi cái tên gần gũi là cây bàng ông và cây bàng bà.
Tuy nhiên, cách đây 5 năm, cây bàng ông chết đi để lại bàng bà “cô đơn” trong sân đình. Đáng nói, cây bàng bà cũng bất ngờ bị héo úa đi trong suốt 3 năm và chỉ mới tươi tốt trở lại 2 năm gần đây.
"Khoảng 5 năm trước, lúc cây bàng ông chết, cây bàng bà cũng bị héo úa theo. Vài năm nay mới tươi tốt trở lại", bà Xê chia sẻ.
Được biết, cặp bàng đá đã có từ rất lâu đời, sau đó người dân mới xây đình Phụng Tường, chỗ dựa tâm linh của các bậc tiền nhân trong buổi đầu đi khai làng, lập xóm. Có một điều khá lạ kỳ, dù sở hữu kích thước khổng lồ với rất nhiều cành lá nhưng cây bàng ra rất ít trái và cũng không thấy mọc thêm cây con.
“Hồi khoảng 10 tuổi, tôi đã thấy hai cây bàng rất lớn trong đình thần Phụng Tường này rồi. Theo ước tính hai cây bàng này trên 400 năm tuổi. Hai cây bàng trong sân đình Phụng Tường gắn liền với ký ức, tuổi thơ của bao nhiêu người tại đây. Ngoài ra, hai cây bàng đá là điểm định vị của người dân trong làng.
Ngày xưa, nhiều người đi từ Trà Vinh sang thì cứ nhìn hai cây bàng đá mà định vị hướng để chèo xuồng về.
Cây bàng đá bà có chu vi hơn 10m, riêng phần gốc khoảng 30m, cao hơn 40m. Hằng năm, ban quản lý đình thuê người trèo lên cắt cây tầm gửi bám trên thân cây bàng. Tháng 3 Âm lịch, mọi người ở khắp nơi đổ về đình thần Phụng Tường để dâng hương và chiêm ngưỡng cây bàng đá”, bà Xê cho biết.
Mỗi năm vào ngày cúng đình Phụng Tường, người dân địa phương cùng khách thập phương tề tựu về đây thắp hương, cầu cho mọi sự bình an. Sau khi cúng bái xong, mọi người cũng tranh thủ ngắm nhìn cây bàng bà hơn 400 năm tuổi với cánh lá sum suê, tươi tốt.
Được biết, cây bàng ông bị chết đã được ông Mai Kiên (ngụ phường 5, TP Sóc Trăng) mua lại với giá 35 triệu đồng. Gốc cây được người đàn ông này tạo tác thành hình thù kỳ quái, một số chỗ điêu khắc thành hình đầu rắn, rồng, quy, phụng...
Ông Kiên cho hay, sau khi đưa gốc bàng về, có người đến xem và hỏi mua với giá trên 2 tỷ đồng nhưng ông không bán mà chỉ để lưu lại làm kỷ niệm về một gốc cây có một không hai ở địa phương.
Sau đó, có nhiều đại gia, người chơi cây cảnh đến tham gia và khẳng định gốc cây cổ của ông ở Việt Nam chỉ có một. Ông Kiên cho hay: “Có người trả giá 2 tỷ, 5 tỷ, thậm chí 35 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Nhiều người nói tôi ngu, nói phét khi gốc cây 35 tỷ mà không bán. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà ban đầu họ trả vài tỷ đồng rồi bây giờ lên đến 35 tỷ đồng. Nếu nơi khác có gốc cây như thế này thì họ không trả giá đó đâu”.
‘Cây cô đơn’ đẹp nhất ở Việt Nam: Có tuổi đời nhiều thế kỷ, thân cây rộng 5 người ôm không hết
Cây cô đơn này cùng hàng chục cây thuộc rừng nghiến cổ thụ ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là loại nghiến đỏ, vô cùng quý hiếm, có tuổi khoảng 250 năm.