Danh tính đứa trẻ chụp ảnh với Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam: Được đích thân Bác đặt tên, gắn bó sâu đậm
Bà Hạ Chí Nhân nghĩ có lẽ bà là đứa trẻ may mắn nhất vì gắn bó với Bác rất sâu đậm, bảo tàng Hồ Chí Minh từng nhận định bà là đứa trẻ được chụp chung với Bác Hồ nhiều ảnh nhất.
Bà Hạ Chí Nhân sinh năm 1949, tại núi rừng Việt Bắc, trên chiến khu ATK Định Hóa, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt (tên thật Hạ Bá Cang) và bà Khuất Thị Bảy (em gái nhà cách mạng Khuất Duy Tiến).
Vào ngày đầy tháng, tại Điềm Mặc (Thanh Định, Định Hóa, Thái Nguyên), bà được Bác đến thăm, bế ẵm trong lòng và đích thân đặt tên Hạ Chí Nhân. Những lúc Bác rảnh rỗi, ông Hoàng Quốc Việt cũng hay cho cô bé Nhân sang chơi với Bác.
Khi bà lớn lên, Bác Hồ cũng đích thân chia sẻ về ý nghĩa của cái tên “Chí Nhân”, nghĩa là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Đến tháng 3/1951, ở giữa núi rừng mở khu nhà trẻ ở Khe Khao (Chợ Đồn, Bắc Kạn), bà cùng con các cán bộ trung ương về đây học tập, sinh hoạt. 4 năm sau, khu nuôi dạy được chuyển về Hà Nội.
“Ở trong những ngôi nhà liếp mái tranh thời đó, chúng tôi được nuôi dạy tử tế. Ở đây vài năm thì có 2 lần Bác đến thăm, khi đó tôi rất bé, mới khoảng 4 - 5 tuổi nhưng kỳ lạ thay, tôi vẫn nhớ tường tận từng chi tiết chuyến thăm của Người”, bà Nhân chia sẻ.
Nghĩ lại những ngày tháng được gắn bó sâu đậm với Bác Hồ, bà Nhân cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc. Trước đó, bảo tàng Hồ Chí Minh cũng từng nhận định bà là đứa trẻ được chụp chung với Bác Hồ nhiều ảnh nhất.
Vào năm 17 tuổi, Hạ Chí Nhân được chọn đi du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chiều 21/8/1966, bà được vào chào Bác trước khi lên đường sang Budapest (Hungary) học ngành Vật lý. Tại đây, Bác dặn dò bà cẩn thận: “Cháu cố gắng học, thế hệ cháu sẽ trở thành chiến sĩ trên mặt trận xây dựng đất nước. Các cháu sẽ là một thế hệ mới văn minh, hãy cố gắng học khoa học kỹ thuật, học những gì văn minh nhất, tinh hoa nhất. Đặc biệt trau dồi ngôn ngữ, đó là chìa khóa mở ra thế giới. Sau này trở về xây dựng đất nước”.
Trước sự ân cần của Bác, bà Nhân vô cùng xúc động và luôn lấy đó làm "kim chỉ nam" để phấn đấu học hành chăm chỉ. Thậm chí, có những đêm bà chỉ ngủ 3 - 4 tiếng. Tuy nhiên, thật xót xa khiđĐó cũng là lần cuối cùng bà được trò chuyện với Bác. Năm 1969, bà cùng sinh viên Việt Nam ở Hungary nhận tin dữ từ Đại sứ quán.
“Tin đến thật choáng váng. Cách mạng, nhân dân, đất nước trước kia luôn có Bác, bây giờ Bác mất thì cuộc sống sẽ như thế nào. Bao nhiêu suy nghĩ, nỗi niềm vây quanh chúng tôi”, bà cho hay.
Sau mấy năm du học, bà Nhân lựa chọn về công tác tại khoa Toán Lý, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đến năm 1984, bà rút khỏi công việc nghiên cứu kỹ thuật, về làm ngành xã hội ở Nhà xuất bản Hà Nội. Đến năm 2004, bà nghỉ hưu và tận hưởng những ngày tháng an nhàn bên ông xã.
“Tôi và ông nhà tuổi đều đã cao, nhưng hay 'hội thảo' tranh luận về những gì cùng nghiên cứu. Cũng may mắn là sức khỏe cả 2 đều tốt. Mỗi chiều tối, vợ chồng đi bộ 1 vòng ra Lăng Bác, ông nhà chở tôi lên cầu Long Biên ngắm cảnh, cuộc sống an nhàn, thảnh thơi”, bà Nhân tâm sự.
Được biết, nhà bà Nhân nằm sát mặt đường Nguyễn Cảnh Chân (Ba Đình), bao quanh là khu vườn xanh tốt. Đến hiện tại, dù đã ngoài 70, bà vẫn tự tay vào bếp nấu ăn cho các thành viên trong gia đình và giữ phong cách tối giản hết mức có thể.
Tại phòng thờ gia tiên, bà treo trang trọng chính giữa là cờ Tổ quốc, cờ Đảng, tiếp đến là tượng Bác Hồ và tượng nhà cách mạnh Hoàng Quốc Việt. Bên dưới, bà đặt ảnh những người thân trong gia đình.