Khám phá mới

Thân thế người anh hùng Việt Nam đầu tiên đánh chìm chiến hạm Pháp, tên được đặt cho nhiều địa danh

Sinh thời, vị anh hùng này là người đầu tiên đánh chìm chiến hạm của Pháp. Ông là nhân vật nổi tiếng được “dân thờ, nước nhớ”. Ngày nay, người dân Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc vẫn tưởng nhớ công lao của ông.

Trong thời kỳ chống Pháp, Việt Nam có một vị anh hùng dân tộc nổi tiếng, người được đánh giá là một trong những điển tích hào hùng nhất của lịch sử chống ngoại xâm nước ta. Ông từng lập công lớn khi đốt cháy chiến hạm của Pháp. Người được nhắc đến là anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838 – 1868).

Ron-rang-le-hoi-tuong-nho-Anh-hung-dan-toc-Nguyen-Trung-Truc-o-Kien-Giang-min
Chân dung Nguyễn Trung Trực trong đền thờ tại Phú Quốc, Việt Nam. Ảnh: Internet

Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 ở xóm nghề thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân an, tỉnh Gia Định (nay thuộc ấp 1, Thạnh Đức, Bến Lức, Long An). Ngày bé mọi người vẫn gọi ông với cái tên thân thuộc khác là Chơn.

Ông nội của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng, mẹ là Lê Kim Hồng. Gia đình họ mới đầu sống ở Bình Định, sau vì chạy giặc khi chiến tranh Tây Sơn nổ ra nên mới về Long An sinh sống. Đến khi hải quân Pháp bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình Nguyễn Trung Trực lại tiếp tục phiêu bạt đến làng Tân Thuận, Tổng An Xuyên (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).

nguyen-trung-truc-4
Tượng Nguyễn Trung Trực tại sân đền thờ chính ở TP Rạch Giá.

Nguyễn Trung Trực sinh ra đã là con trưởng, có đến 7 anh chị em phía sau. Từ nhỏ ông đã hiếu động, thích học võ và nổi tiếng khỏe mạnh, giỏi võ nghệ. Ngày trẻ, chàng trai Nguyễn Trung Trực đã tỏ rõ ý chí yêu nước, căm thù thực dân. Cuộc đời của ông gắn liền với 2 sự kiện chống giặc nổi tiếng lúc bấy giờ.

Đầu tiên là vào năm 1861 ở vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay). Khi đó, Nguyễn Trung Trực cùng các nghĩa binh là nông dân làm giả đám rước dâu trên sông rồi đốt cháy tàu L’Esperance của quân Pháp. Sau sự kiện đó, phong trào chống Tây đã rộ lên khắp nơi.

nguyen-trung-truc-3
Mô hình tái hiện trận chiến Nhựt Tảo năm 1861 tại Khu Di tích Vàm Nhựt Tảo, Tân Trụ, Long An.

Quân Pháp từ đó biết đến danh tiếng Nguyễn Trung Trực, dè dặt khi phải đối đầu với ông. Uy tín của ông cũng dâng cao sau khi đốt được chiến hạm Pháp nên càng dễ tập hợp người yêu nước đi theo mình.

nguyen-trung-truc-6
Tượng Nguyễn Trung Trực tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, với ánh nhìn hướng về nơi diễn ra trận Nhựt Tảo khi xưa.

Lần thứ hai là vào năm 1868. Vào 4 giờ sáng ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực cùng đội quân của mình đánh úp đồn Kiên Giang, khiến Pháp hoang mang trở tay không kịp. Sau đó họ kéo quân ra Phú Quốc tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên vì địch quá mạnh mà cuộc khởi nghĩa này sớm bị dập tắt. Chứng kiện dân thường bị đày đọa, đồng đội bị đói khát, cuối cùng Nguyễn Trung Trực ra đầu hàng ở Phú Quốc.

Pháp đưa Nguyễn Trung Trực về dụ dỗ đủ mọi cách nhưng không được. Cuối cùng chúng quyết định xử tử ông ở chợ Rạch Giá. Ngày hôm đó, người dân nghe tin đã kéo đến rất đông, tổ chức dệt chiếu trải cho người anh hùng này đứng khi bị xử.

nguyen-trung-truc-2
Tranh vẽ Nguyễn Trung Trực đầu quân cho Trương Công Định, trưng bày tại Khu Di tích Vàm Nhựt Tảo, Long An.

Trước khi ra đi, Nguyễn Trung Trực nhìn bầu trời quê hương, các đồng đội, đồng bào rồi dõng dạc hô lớn: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Câu nói nổi tiếng này đã đi vào lịch sử dân tộc, truyền thêm sức mạnh, niềm tin cho người dân Việt Nam.

nguyen-trung-truc-5
Tranh vẽ Nguyễn Trung Trực thọ hình tại Rạch Giá, trưng bày tại Khu Di tích Vàm Nhựt Tảo, Long An.

Sự ra đi của Nguyễn Trung Trực để lại nỗi tiếc thương vô hạn với mọi người. Người dân kính trọng nên đã lập bàn thờ ông tại ngôi thờ cá voi ở Rạch Giá. Sau này nơi đó trở thành đình Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra, nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng lập đền thờ ông, hàng năm lại tổ chức lễ tưởng niệm. Tên của vị anh hùng này thì được chọn đặt cho nhiều ngôi trường, con đường của Việt Nam. Riêng tại Thủ đô Hà Nội có một phường tên Nguyễn Trung Trực, nằm ở quận Ba Đình.