Đời sống

Chân dung vị tướng bất khuất của Việt Nam và câu chuyện hơn 1000 ngày trở về từ cõi chết

Mặc dù quân địch dùng nhục hình tra hỏi và loạt thủ đoạn bức cung nhưng đồng chí Trần Văn Trân vẫn chỉ khẳng định mình là y tá.

Vào năm 1970, Đại tá Trần Văn Trân được cấp trên điều động làm Tư lệnh Sư đoàn 1 để rời Tây Nguyên vào chiến trường Nam Bộ. Trước khi bắt đầu trận đánh ác liệt, ông cùng tổ trinh sát đi điều nghiên trước. Đến khu vực kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang), ông quyết định vượt kênh, tận dụng khi đêm đến. Lúc đó, địch đã bố trí các trạm gác của lính bảo an dày đặc và ca nô quần thảo trên sông cả ngày lẫn đêm. Dù đã cố gắng nỗ lực để ngụy trang, căn thời cơ để hành động nhưng không may, đội hình bị lọt vào ổ phục kích của một đại đội biệt kích Mỹ.

Bộ đội ta chịu nhiều thương vong dưới sự tác động của lực lượng quân địch vô cùng đông đúc dù các anh đã đánh trả rất quyết liệt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Sư đoàn 1 Trần Văn Trân. Ông Trần Văn Trân khi ấy cũng bị thương nặng, vì biết mình có thể sẽ bị địch bắt nên ông nhanh trí vội với lấy túi thuốc của người y tá đã hy sinh bên cạnh quàng lên người trước khi ngất lịm. Khi địch đến gần kiểm tra thì phát hiện ông còn thở nên chúng đã đưa ông Trân về Cần Thơ. Ngoài ra, chúng còn thu được trên người ông một khẩu CKC, một túi cứu thương y tá, bên trong ngoài băng gạc còn có cao hổ, cao khỉ và giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Thương, Thượng sĩ đông y.

Chân dung thiếu tướng Trần Văn Trân.

Dẫu có bị kẻ thù dùng nhục hình tra hỏi và loạt thủ đoạn bức cung đến thế nào, ông Trân vẫn chỉ khẳng định mình làm y tá, chuyên đi hái lá thuốc Nam trên rừng và nấu cao hổ. Thậm chí khi địch tỏ ra nghi ngờ và thử thách, kiểm tra chuyên môn y tá của ông nhưng ông vẫn vượt qua. Sau đó chúng đưa ông về giam giữ, chuyên qua nhiều nhà tù từ Cần Thơ đến Hố Nai, Biên Hòa vì không thu hoạch được thông tin nào từ ông.

Ông Trần Văn Trân bị bắt làm tù bình trong 3 năm, dù vậy nhưng ông quyết giữ thân phận, không để lộ là cán bộ cấp cao của Quân đội ta trước kẻ thù địch. Tại nhà tù, ông còn được đồng đội tin cậy giao trọng trách Bí thư Chi bộ nhà tù. 

Trong khoảng thời gian Tư lệnh Trần Văn Trân bị địch bắt, phía ta đã cử người đi tìm kiếm ông trong khu vực trên nhưng không thấy nên tưởng ông đã hy sinh ở dòng kênh Vĩnh Tế.

Di vật của đồng chí Trần Văn Trân được gia đình trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nhưng sau đó không lâu, đồng chí Phạm Hùng, bấy giờ là Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã nhận được mật báo từ cơ sở: “Hiện trong nhà tù Cần Thơ có một tù binh tên là Thương, khai có hai em tên là Viên, Uynh”. Sau nhiều ngày suy nghĩ, khớp nối, cuối cùng đồng chí Phạm Hùng cũng luận ra, người tù tên Thương ấy chính là Tư lệnh Sư đoàn 1 Trần Văn Trân, vì Viên là Chính ủy Sư đoàn 1 Nguyễn Viên, Uynh là Phó tư lệnh Sư đoàn.

Và phía ta quyết định cho Sư đoàn 1 tổ chức lễ truy điệu đồng chí Tư lệnh nhằm giúp đồng chí Trần Văn Trân che giấu thân phận. Vào mùa hè năm 1970, người vợ của Tư lệnh Trần Văn Trân là cô giáo Võ Thị Bích Hà nhận được giấy báo tử và di vật của chồng là một chiếc đài bán dẫn do Tổng cục Chính trị bàn giao, chiếc đài sau này được gia đình trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bà Võ Thị Bích Hà và các con tại nhà riêng ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh vào năm 2013.

Vào ngày 18/3/1973, đồng chí Trần Văn Trân được trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) theo Hiệp định Paris. Khi đồng chí Trân lên bờ, đã có xe của Quân khu 4 đón sẵn. Cho tới lúc đó, quân địch mới ngỡ ra chúng để “lọt lưới” một cán bộ cao cấp của Quân đội ta. Sau vài tháng trở lại đội hình, ông được cấp trên quyết định bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341.

Có thể nói đây là một điều hiếm có khó tìm đối với một cán bộ bị địch bắt vừa trở về đã được trao quyền cầm quân chỉ huy chiến đấu. Vào mùa xuân năm 1975, Sư đoàn 341 do ông chỉ huy trong đội hình Quân đoàn 4 đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau này, đồng chí Trần Văn Trân giữ các chức vụ: Phó tư lệnh Quân đoàn 4, Phó giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, Tham mưu phó, rồi Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia... Vào năm 1985, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng. Đến năm 1995, ông nghỉ hưu và qua đời vào năm 1997.

 

Theo Báo Quân đội Nhân dân.