Gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 2 liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng từng được gặp Bác Hồ
Mẹ Liên không bao giờ có thể nhìn thấy 2 người con trai yêu dấu của mình thêm một lần nào nữa vì họ đã bị chiến tranh tàn ác cướp đi sinh mạng.
Mẹ Nguyễn Thị Liên (SN 1920, trú tại thôn Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) mới bước sang tuổi 100 tuổi có lẻ. Mặc dù đã chứng kiến 1 thế kỷ trôi qua nhưng mẹ Liên vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hằng ngày vẫn có thể tự chăm sóc bản thân và kể cho cháu, chắt nghe những câu chuyện thời xưa. Vào năm 20 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Liên (quê xã Thạch Điền, nay là xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) đã gặp gỡ và nên duyên với chàng trai Trần Kiện ở làng Đông Trinh, xã Hoàng Trinh, huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh).
Ông Trần Kiện (? - 1984) sinh ra trong ra đình nghèo khó nhưng với tư tưởng tiến bộ, ông đã đi theo ánh sáng của cách mạng. Cả hai ông bà đều tham gia phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ cho bà con trong vùng. Ông bà luôn sẵn sàng nhường nhà, nhường cơm cho cán bộ, chiến sĩ mỗi khi có đơn vị bộ đội dừng chân, thậm chí còn chăm sóc những chiến sỹ bị thương được đưa về tuyến sau điều trị suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Gia đình ông bà có 7 người con trai nhưng 2 người không may mất khi còn nhỏ, 3 người con trai là: Trần Nhật Lệ (SN 1953), Trần Mạnh Trí (1956 - 1975), Trần Trung Tín (1958 - 1977) lần lượt khoác balo lên đường ra chiến trường bảo vệ đất nước.
Sự tàn ác của chiến tranh đã cướp đi sinh mạng những người con trai của hai ông bà. Mỗi lần nhận được tin con là lúc trái tim người làm cha, làm mẹ lại thắt lại khi nhìn thấy tờ giấy báo tử.
Tháng 3/1975, người con thứ 2 của mẹ là Trần Mạnh Trí hy sinh tại chiến trường miền Nam, được công nhận là liệt sĩ.
Tháng 1/1977, người con thứ ba là Trần Trung Tín cũng hy sinh khi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc.
Người con trai cả Trần Nhật Lệ may mắn sống sót nhưng trên cơ thể anh mang theo nhiều di chứng của khoảng thời gian chiến đấu trong chiến sự.
Theo Báo Hà Tĩnh, mẹ Liên xúc động chia sẻ: “Ngày tiễn các con ra chiến trường, chúng nó đều hứa đất nước hòa bình sẽ về với mẹ. Vậy mà, ba đứa ra đi thì hai đứa chẳng bao giờ trở về nữa. Chiến tranh ác liệt, gia đình tôi cũng không thể tìm thấy phần mộ của các con, đó là nỗi đau không bao giờ có thể nguôi ngoai được”.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên cũng là một trong những cán bộ y tế cơ sở tiêu biểu của Hà Tĩnh đi tham dự hội nghị cán bộ y tế toàn quốc tại thủ đô Hà Nội vào năm 1961 và mẹ rất vinh dự khi được gặp Bác Hồ tại đây. Chính cuộc gặp gỡ này đã giúp mẹ có thêm động lực, niềm tin để phấn đấu cống hiến trong suốt thời gian công tác về sau.
Bên cạnh việc công việc y tế chuyên môn, mẹ Liên còn hăng hái tham gia các phong trào tại địa phương; tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
Vào năm 1984, chồng mẹ Liên qua đời, tính tới nay mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng mẹ vẫn tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, mẹ còn trích tiền chế độ của mình để ủng hộ công tác phòng chống dịch tại địa phương. Mẹ Liên đã hiến hàng chục m2 đất và tiền của để góp phần giúp tổ dân phố Đông Trinh mở rộng tuyến đường trục chính vào năm 2022.
Mẹ Liên ở độ tuổi này chẳng có mưu cầu gì lớn lao nữa, mẹ đã từng chối 70 triệu đồng khi được các cấp, ngành xét duyệt hỗ trợ để làm nhà ở, mẹ xin được nhường sự quan tâm, hỗ trợ đó cho những hộ gia đình khác khó khăn, có nhu cầu cấp thiết hơn.
Theo Báo Hà Tĩnh. Ảnh Báo Hà Tĩnh.