Đời sống

Lý do hơn 17.000 cây xanh ở Hà Nội dễ gãy đổ vì bão Yagi, vì sao nhiều cây vẫn giữ nguyên bọc bầu?

Bão Yagi để lại thiệt hại nặng nề với cây xanh Hà Nội khi có hơn 17.000 cây xanh bị gãy đổ (khoảng 1/10 số cây xanh hiện có ở Thủ đô).

Hà Nội hiện đang có khoảng 142.000 cây xanh đô thị do thành phố quản lý. Tuy nhiên, bão Yagi đi qua đã khiến khoảng 17.000 cây bị gãy đổ trên toàn thành phố (trong đó khoảng 2.000 cây xanh đô thị). Việc rất nhiều cây xanh gãy đổ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống mà còn để lại nỗi xót xa tiếc nuối bởi chúng gắn liền với người dân Thủ đô nhiều đời qua.

cay-xanh-gay-do-6
Hàng cây sấu cổ thụ nổi tiếng phố Phan Đình Phùng bị gió quật tan hoang. Ảnh: VnExpress
cay-xanh-gay-do-5
Phố Nhà thờ nhiều cây đổ ngổn ngang không thể di chuyển. Ảnh: VnExpress

Nói về việc hàng loạt cây xanh ở nội thành Hà Nội gãy đổ, bật gốc sau bão, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) chia sẻ với báo Công Luận: “Chúng ta đều thấy cây xanh ở Hà Nội bị bật gốc, gãy đổ sau trận bão số 3 có bộ rễ rất nông. Nguyên nhân ở đây do rễ cây rất nông, đất tơi ra và lát vỉa hè bê tông nên hạn chế nước cấp xuống tầng sâu, chỉ còn nước tầng nông, tất nhiên rễ nông sẽ khiến cây đổ nhanh”.

Theo vị kiến trúc sư này, các cơ quan quản lý đô thị và cây xanh gần như không thay đổi cách thức trồng cây dù tình trạng gãy đổ, bật gốc là có thể lường trước được. Ông Ánh nói: “Gần như không có gì thay đổi cả, vẫn theo cách cũ, trồng cây cũng chỉ “bới bới” hơn 1m sau đó trồng cây xuống”.

cay-xanh-gay-do-1
Hà Nội có hơn 10.000 cây xanh gãy đổ, bật gốc sau bão Yagi. Ảnh: Phạm Hưng

Nêu ý kiến về thay đổi cách trồng cây xanh trong phố ở Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói: “Trong 10 năm vừa qua, chiến lược trồng cây của chúng ta không có gì thay đổi. Tôi đã tìm mọi cách trồng cây mới, bằng cách lợi dụng 1 cái móng cột điện bỏ đi, trồng “luồn” gốc cây vào đó, kết quả sau trận bão lớn vừa qua cây rất vững vàng, chỉ rụng lá do gió.

Đây cũng là 1 kỹ thuật mà các đô thị hiện đại trên thế giới đã sử dụng rồi, dùng những cọc sâu và ống có lỗ để cây nằm trong ống đó, rễ cây bám chặt vào và phát triển ra bề ngang thì sẽ vững. Như thế cây sẽ thích ứng được nhiều yếu tố, kể cả khô hạn. Đó là những góp ý về chiến thuật trồng cây xanh ở trong đô thị mà chúng ta cần thay đổi”.

cay-xanh-gay-do-3
Cây đa cổ thụ dưới tấm biển Vườn hoa Lý Thái Tổ gãy gốc, đổ về phía đường Lê Lai kéo theo cột điện cao áp bên cạnh. Ảnh: VnExpress

Trong khi đó, theo báo Lao Động đưa tin, rất nhiều cây xanh bị bật gốc ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu. Điều này khiến người dân vô cùng bất ngờ. Tìm hiểu rõ hơn, Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê – Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kĩ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM). Bà Thê cho biết việc cây xanh bị bật gốc, gãy đổ trong đợt mưa bão số 3 vừa qua là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng từ đây nhìn thấy một số điểm cần lưu ý khi trồng cây trong đô thị.

cay-xanh-gay-do-7
Cây xanh gãy đổ do bão ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu. Ảnh: Khánh An

Đầu tiên là việc lựa chọn trồng cây gì? Ở đô thị, cây được trồng phải là cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu trong lòng đất, tuyệt đối không trồng cây tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, việc đô thị hóa, làm đường, bó vỉa hè quá chặt cũng sẽ ảnh hưởng đến cây xanh, khiến cây dễ đổ trong mưa bão. Trước mùa mưa bão cần cắt tỉa, loại bỏ cành nặng.

Bàn về việc nhiều cây khi gãy đổ vẫn còn nguyên bọc bầu bằng lưới nhựa, nilon bà Thê cho rằng đây điều này khiến rễ cây không thể phát triển, khó bám vào đất và dễ bị đổ. Nếu muốn trồng cây còn nguyên bọc bầu thì cần sử dụng vật liệu phân hủy được.

cay-xanh-gay-do-8
 Nhiều cây xanh gãy đổ vẫn còn nguyên bọc bầu. Ảnh: Khánh An

Theo vị chuyên gia, có nhiều đơn vị triển khai trồng cây sợ vỡ bầu cây, sợ nghiệm thu nên cố duy trì chất dinh dưỡng cho cây trong bầu từ 6 tháng – 1 năm. Họ chỉ cần trồng và cây phát triển tốt trong thời gian đó để nghiệm thu tốt là được.

“Theo đạo đức nghề nghiệp thì không nên làm bọc bầu bằng nilon vì nó không phân hủy được, rễ sẽ không ăn được vào đất”, bà Thê chia sẻ với Lao Động.

Hơn 14.000 cây xanh gãy đổ, người dân Hà Nội xót xa