Đời sống

Thông tin nóng vụ bạo hành dã man ở Mái ấm Hoa Hồng: Phát hiện 10 trường hợp ‘trẻ em sinh trẻ em’

Trong diễn biến mới nhất có liên quan đến vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng, có 10/15 trể em ở cơ sở này thuộc trường hợp “trẻ em sinh trẻ em”.

Ngày 8/9, báo Thanh Niên đưa tin, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp đã tiếp nhận 15 trẻ (7 nam, 8 nữ) dưới 12 tháng tuổi từ Mái ấm Hoa Hồng và đưa về Khoa Sơ sinh của đơn vị để chăm sóc. Đáng chú ý, bước đầu ghi nhận có 10/15 trẻ có mẹ là học sinh, còn lại các bé sơ sinh khác rơi vào hoàn cảnh không có cha mẹ hoặc mẹ đi làm ăn xa, mẹ đã qua đời…

mai-am-hoa-hong-3
Bảo mẫu ở mái ấm Hoa Hồng có hành vi bạo lực dã man với các em nhỏ. Ảnh: Báo Thanh Niên

Trong khi đó, các trẻ được chuyển về Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức chủ yếu sinh năm 2021, 2022. Trước đó, các bé được chuyển đến cho bà Giáp Thị Sông Hương nuôi dưỡng đều chưa có thông tin về thân nhân.

Sau khi ghi nhận vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ghi nhận nơi đây có 15 nhân viên phục vụ và 86 trẻ em (vượt qua 47 trẻ so với giấy phép đăng ký). Trong đó, 85 trẻ thuộc hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ là con của nhân viên trong mái ấm. Tại Mái ấm Hoa Hồng có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi; 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.

mai-am-hoa-hong-2 (1)
Em bé (khoảng 1 tháng tuổi) da còn đỏ hỏn bị bảo mẫu xách tay nhấc bổng trong lúc thay khăn. Ảnh: Báo Thanh Niên

Cơ quan chức năng cho biết đang phối hợp để làm rõ nguồn gốc 47 trẻ vượt quá quy mô cho phép ở Mái ấm Hoa Hồng, xem các em ở đâu ra, có yếu tố trục lợi hay không. Những vấn đề về nhân thân, hoàn cảnh gia đình các bé cũng đặc biệt được quan tâm, xem xét nghiên cứu.

Việc 10/15 trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng có mẹ là học sinh là thực trạng rất đau lòng. Đầu năm nay, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã nêu vấn đề “trẻ em sinh trẻ em” trong buổi sơ kết 1 năm triển khai thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM” (3/2024). Mô hình này ra mắt vào tháng 3/2023, đặt tại bệnh viện Hùng Vương với mong muốn thông qua công tác khám và điều trị sẽ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại để cung cấp các giải pháp hỗ trợ kịp thời.

mai-am-hoa-hong-1
Trẻ sơ sinh ở Mái ấm Hoa Hồng đang được chăm sóc tận tình tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN ANH

Khi sơ kết, mô hình trên đã hỗ trợ 51 nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục. Trong đó có 48/51 trường hợp là trẻ vị thành niên (14 ca chỉ mới 14 tuổi, 16 ca 15 tuổi, nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi).

Dù vậy, theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, 51 ca được hỗ trợ cũng chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Trước đó, năm 2023, bệnh viện Hùng Vương đã ghi nhận có đến 423/34.360 ca sinh là trẻ vị thành niên, 105/9.762 ca phá thai nằm trong độ tuổi tương tự. Như vậy, trung bình mỗi ngày đều có từ 1 – 2 trẻ vị thành niên mang thai đến bệnh viện này sinh hoặc bỏ thai. Chỉ có 51/528 ca đồng ý chia sẻ, xác nhận là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.

Tội ác trong Mái ấm Hoa Hồng: Lời khai của hai bảo mẫu Tuyền - Cẩm