Khám phá mới

Ông Ba Bị trẻ con sợ mất vía hóa ra là ông ngoại của 1 vị vua Việt, chịu nỗi oan cả trăm năm qua

Ông Ba Bị trẻ con sợ mất vía hóa ra là ông ngoại của 1 vị vua Việt, chịu nỗi oan cả trăm năm qua

 

Với trẻ con Việt Nam, ông Kẹ, con ngáo ộp hay ông Ba Bị từ lâu đã là nỗi ám ảnh vô hình. Dù chưa ai nhìn thấy mặt, cũng chẳng biết nguồn gốc cụ thể ra sao nhưng 3 cái tên này hễ nhắc đến đều sẽ gắn với sự sợ hãi, ghét bỏ. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về ông Ba Bị, nhân vật bị gán tiếng xấu hơn 100 năm qua.

Dân gian kể rằng ông Ba Bị là người đàn ông cao to, có vẻ ngoài xấu xí, đáng sợ. Người này thường mang theo ba chiếc bị lớn và đi khắp nơi. Hễ thấy trẻ con hư, không nghe lời sẽ bắt chúng đi, không cho ở cùng gia đình nữa.

Nhân vật ông Ba Bị được cho là những kẻ vô công rỗi nghề, chuyên bắt cóc trẻ con kiếm tiền. Chúng hay đi theo tốp 6 người. Trong đó 2 người sẽ cùng vác 1 chiếc túi cói (bị) to. Mỗi chiếc bị có 3 quai. Thế nên dân gian vẫn truyền miệng câu: “9 quai, 12 con mắt”, ý chỉ nhóm 6 người đi lang thang này. Những đứa bé làng chài thường dễ lọt vào “mắt xanh” của nhóm Ba Bị. Sau khi động thủ chúng sẽ nhảy lên thuyền rồi cao chạy xa bay luôn.

ong-ba-bi-2

Nhưng tất cả những câu chuyện kể trên đều chỉ là suy luận chưa có căn cứ hay liên tưởng của người dân mà thôi. Nhân vật ông Ba Bị vốn dĩ là một người có thật và hoàn toàn không phải kẻ xấu.

Ông Ba Bị tên thật là Phạm Đăng Hưng, từng làm Lễ Bộ Thượng Thư dưới triều vua Gia Long. Con gái ông chính là vị Hoàng Thái hậu nổi tiếng đức hạnh – Từ Dụ. Sinh thời, ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại của Hồng Nhậm, sau này lên ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức.

Trong “Hương Giang cố sự” của Nguyễn Đắc Xuân có nói về ông Ba Bị như sau: “Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công (Nam bộ), có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Ông làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực”.

ong-ba-bi-1

Khi còn làm quan, ông Phạm Đăng Hưng rất thương dân nghèo, thường giúp đỡ mọi người vô điều kiện. Thời vua Gia Long, nước ta bị thiên tai liên tục, mất mùa nên dân nhiều nơi đói ăn. Khi này ông Phạm Đăng Hưng giữ chức Điền Tuần Quan, đi đâu cũng mang theo ba túi ngũ cốc để phát cho dân nghèo, dạy họ trồng trọt. Thậm chí nhà nào quá nghèo ông còn mang gạo đến cho.

Tốt với dân, nhưng ông Phạm Đăng Hưng cũng rất cứng rắn trên thương trường. Với những tham quan, bóc lột dân chúng, ông thẳng tay trừng trị nên chúng rất sợ. Đây có lẽ cũng là lý do hình ảnh của ông bị bôi xấu đi.

Sau quá trình “tam sao thất bản”, hình ảnh người đàn ông mang theo chiếc bị bỗng trở nên xấu xí và bị liên tưởng đến người ăn mày. Theo quan niệm người xưa, ăn xin là nghề tiêu cực, không giúp ích cho xã hội và thường bị đưa ra hù dọa trẻ con.

ong-ba-bi-3

Vậy câu đồng dao “ba bị, chín quai, mười hai con mắt” thì liên quan gì đến nhân vật ông ba bị? Thực ra, quai không phải quai hàm, con mắt không phải con mắt người. Ý nghĩa gốc của nó dùng để đếm đồ vật chứ không phải miêu tả ngoại hình nhân vật ba bị. Cụ thể, người đó mang theo ba chiếc bị, mỗi bị có ba quai và bốn con mắt (mắt là khe hở đều đặn trên đồ đan lát, còn gọi là mắt lưới).

 

Nguồn gốc khó tin và vẻ ngoài của con ‘ngáo ộp’, nhiều người Việt Nam ám ảnh nhưng không hề biết

Nhân vật con ‘ngáo ộp’ không còn xa lạ gì ở Việt Nam, hầu hết tuổi thơ ai cũng từng sợ xanh mặt khi nghe đến cái tên này. Vậy nó có nguồn gốc từ đâu? Ngoại hình như thế nào?