Đời sống

Vị bộ trưởng từng là Chủ tịch đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn, tên được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam

Vị bộ trưởng từng là Chủ tịch đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn, tên được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam

Sinh thời, ông là vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam lâu năm nhất, cũng là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp tri thức của Sài Gòn – Chợ Lớn một thời.

Ngày nay, ở nhiều địa phương tại Việt Nam xuất hiện con đường, địa danh mang tên Kha Vạng Cân. Ông là ai và có đóng góp gì cho đất nước để được vinh danh như vậy?

Kha Vạng Cân (1908 – 1975) sinh ra ở Chợ Lớn, nay là TP.HCM. Cha ông là cụ Kha Ư Phúc – người Việt gốc Hoa, một tiểu tư sản thành thị. Từ bé Kha Vạng Cân đã được cho học hành tử tế và không khiến gia đình phải thất vọng khi cho thấy sự thông minh vượt trội với bạn bè đồng trang lứa.

kha-vang-can-3
Giấy chứng nhận của Thủ tướng chính phủ ghi tên đồng chí là Kha Vạng Cân, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Ảnh tư liệu

Thế nhưng, năm 1926, Kha Vạng Cân bị đuổi học. Lý do vì ông tham gia bãi khóa nhân lễ tang Phan Châu Trinh. Để tiếp tục sự học, ông trốn gia đình sang Pháp rồi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở trường Des Art et Métiers năm 1933 và Trung tâm cơ khí Quốc gia D’Aix-en-Provence, làm chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư tại hãng xe hơi Renault ở Billancourt đến năm 1938.

Hãng xe hơi Renault từng ngỏ lời mời ông vào làm cho Sở và hứa sẽ lo cho ông quốc tịch Pháp, hưởng lương công chức Pháp. Đây là ước mơ của rất nhiều người vào thời điểm đó. Nhưng với Kha Vạng Cân thì không. Ông luôn ấp ủ mong muốn được trở về Việt Nam, giữ quốc tịch Việt Nam dù bấy giờ nước ta vẫn là một nước thuộc địa.

kha-vang-can-1
Kỹ sư Kha Vạn Cân (1908 - 1982) năm 1943. Ảnh tư liệu

Cũng trong thời gian đó, Kha Vạng Cân có mặt trong nhóm Văn Lang. Nhóm này gồm một số trí thức được đào tạo tại Pháp như bác sĩ có Hồ Tá Khanh, Dương Tấn Tươi, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Nhã; kỹ sư có Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Bích…

Ngoài ra, Kha Vạng Cân còn được vua Bảo Đại mời tham gia Hội đồng Cải cách Giáo dục tại Huế. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và thành lập ra chính phủ Trần Trọng Kim. Kha Vạng Cân đã được mời ra giữ chức Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm đó ông còn chưa tròn 37 tuổi. Nhận chỉ thị bí mật của Xứ ủy Nam Kỳ, Kha Vạng Cân đã đồng ý.

Trong thời gian đứng đầu Sài Gòn – Chợ Lớn, Đô trưởng Kha Vạng Cân đã ra lệnh triệt hạ tượng đài tướng tá Pháp tại Sài Gòn. Đầu tiên là tượng viên sĩ quan hải quân Francis Garnier trước Nhà hát Thành phố; sau đó đến tượng đài của Đô đốc Rigault de Genouilly ở đầu đường Hai Bà Trưng ngó ra bến Bạch Đằng, tượng Gambetta ở vườn Tao Đàn, tượng Bá Đa Lộc và tượng Hoàng tử Cảnh trước Sở Bưu điện Thành phố... Khi đó, sự kiện này được đánh giá là việc làm mang ý nghĩa chấm dứt giai đoạn bi thương trong lịch sử dân tộc.

kha-vang-can-2
Bộ trưởng Kha Vạn Cân (thứ 2 từ phải qua) cùng các cán bộ miền Nam tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Tháng 4/1945, tại Sài Gòn, ông cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Thái Văn Lung là thành viên sáng lập nên tổ chức Thanh niên Tiền phong. Kỹ sư Kha Vạng Cân vừa là thủ lĩnh phong trào chung, vừa trực tiếp làm thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong Chợ Lớn. Thanh niên Tiền phong là tổ chức có vai trò lớn trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Bộ.

Không lâu sau khi giành lại được chính quyền ở Sài Gòn – Chợ Lớn, chủ nghĩa thực dân Pháp bắt đầu hồi sinh. Đến cuối tháng 9/1945, Pháp đã gây hấn và chiếm lại Nam Bộ phủ. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nước ta bắt đầu diễn ra, Kha Vạng Cân lại bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến với tư cách chuyên viên cơ khí, Chủ tịch UBND Sài Gòn – Chợ Lớn (1946 – 1947), Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Kinh tế Nam bộ. Sau Hiệp định Geneva (1954), ông tập kết ra Bắc và giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Kha Vạng Cân chính là người giữ chức Bộ trưởng Bọ Công nghiệp nhẹ lâu năm nhất (1960 – 1975).

kha-vang-can-4
Đồng chí Kha Vạng Cân (đầu tiên bên trái hàng đứng) – Đội trưởng bóng đá Sài Gòn – Chợ Lớn (1945). Ảnh tư liệu

Năm 1976, trở về sinh sống ở TP.HCM, Kha Vạn Cân nhận nhiệm vụ mới rất khiêm nhường là Trưởng ban Khoa học - Kỹ thuật của TP.HCM (1976 - 1978) cho đến ngày nghỉ hưu ở tuổi 70. Ông coi đây là công việc chuyên môn quen thuộc vì suốt 21 năm ở miền Bắc, ông đã là Ủy viên thường trực Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Trung ương.

Ngày nay, tên của Kha Vạng Cân được đặt cho các con đường lớn ở TP Thủ Đức, TP.HCM, TP Đà Nẵng, TP Vũng Tàu.