Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam: Là niềm tự hào dân tộc, biểu tượng quyền lực một thời
Đây là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào tháng 12/1993. Nó được giới thiệu “là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến từng tồn tại ở Việt Nam”.
Ngày 11/12/1993, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây bao gồm toàn bộ di tích lịch sử - văn hóa do triều Nguyễn xây dựng vào đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Quần thể di tích Cố đô Huế rộng hơn 500 ha, được giới hạn bởi 3 vòng thành, theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ, gồm: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Giới thiệu của UNESCO về quần thể di tích Cố đô Huế trên website có viết: “Di sản này là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến từng tồn tại ở Việt Nam và là một điển hình nổi bật của kinh đô phong kiến phương Đông”.
Quần thể di tích Cố đô Huế do triều Nguyễn chủ trương xây dựng tại địa bàn kinh đô Huế xưa, vào đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Nơi đây hiện là thành phố Huế và vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phần lớn các di tích trong quần thể này thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Quần thể di tích Cố đô Huế được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 130 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Nơi đây hiện vẫn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ, tâm hồn dân tộc Việt Nam. Hàng thế kỷ đã trôi qua nhưng những tinh hoa dân tộc được chắt lọc, hội tụ ở Quần thể di tích Cố đô Huế vẫn được lưu giữ cẩn thận.
Nói đến Huế là nói đến Quần thể di tích Cố đô Huế. Hình ảnh những thành quách, cung điện vàng son, đền đài miếu vũ lộng lẫy, lăng tẩm uy nghiêm, danh lam cổ tự trầm tư u tịch hay thắng tích thiên nhiên do thiên nhiên tạc nên trở thành nét riêng biệt chỉ Huế mới có.