Quân đội tức tốc vào cuộc truy tìm ‘thủ phạm’ gây ra những trận động đất liên tiếp ở Kon Tum
Chỉ trong ngày 22/8, có đến 9 trận động đất liên tiếp. Trong đó có trận mạnh đến 4.4 độ, gây rung lắc dữ dội đến cả các tỉnh lân cận. Để truy tìm ‘thủ phạm’, phía quân đội cũng đã vào cuộc.
Tây Nguyên được đánh giá là khu vực có hoạt động địa chất tương đối ổn định. Theo Dữ liệu của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903 – năm 2020, nơi đây chỉ có hơn 30 trận động đất, trận mạnh nhất mạnh 3.9 độ. Nhưng từ tháng 4/2021, mọi chuyện đã thay đổi. Huyện Kon Plông, Tây Nguyên trở thành điểm nóng về động đất tại Việt Nam với ghi nhận hàng trăm trận cho đến nay.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Kon Plông đã xảy ra khoảng 200 trận động đất, trận mạnh nhất 5.0 độ, rung chuyển cả tỉnh Tây Nguyên và những tỉnh lân cận. Trước tình trạng đó, một đoàn chuyên gia từ Viện Vật lý địa cầu đã đến đây để khảo sát, đánh giá. Nhận định ban đầu cho biết, nguyên nhân động đất ở huyện Kon Plông là động đất kích thích do hồ chứa gây ra. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh, có cơ sở dự báo xu thế hoạt động, cường độ động đất trong tương lai thì cần có khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và các tỉnh lân cận.
Huyện Kon Plông chỉ rộng 1.371 km2 nhưng có đến 6 công trình thủy điện. Trong đó có 3 công trình có hồ chứa lớn là thuỷ điện Thượng Kon Tum (220MW), thuỷ điện Đăk Đrinh (125MW), thuỷ điện Đăk Re (60MW); 3 thuỷ điện có đập, hồ chứa nhỏ khác. Chưa kể, vùng đất này còn phải tải thêm 125 công trình thủy lợi, 2 hồ chứa, 23 đập dâng.
Trước tình hình động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Plông, giữa tháng 8, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương - Phó Tư lệnh Quân khu 5 và ông Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trực tiếp đến khảo sát, kiểm tra tại các khu vực động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Sau khi kiểm tra thực tế, một hội nghị đánh giá tình hình, triển khai công tác ứng phó với động đất ở huyện Kon Plông đã được tổ chức. Hội nghị này thảo luận nguyên nhân, đề xuất phương án, giải pháp, kế hoạch phòng, chống động đất, triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, ứng cứu người dân khi động đất xảy ra.
Tại hội nghị đó, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo cơ quan, địa phương liên quan nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Việc tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng phó với động đất cho ngườ dân và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để dự báo, cảnh báo thảm họa là cần đặc biệt chú ý.
Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương còn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, tham mưu hướng tiếp cận đường cơ động vào khu vực tâm chấn, khu vực lân cận ở huyện Kon Plông. Bên cạnh đó còn phải xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản ứng cứu, chuẩn bị tốt phương tiện, lực lượng khi cần thiết.
Các đơn vị trực thuộc Quân khu 5 được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương của Kon Tum để hỗ trợ xây dựng phương án phòng, chống, ứng phó với động đất. Cần tổ chức tập huấn kỹ năng, diễn tập ứng cứu cho các đơn vị, địa phương liên quan và người dân...