Minh tinh Việt Nam đầu tiên đóng phim ở châu Âu: Là con gái của Hùm Thiêng Yên Thế
Năm 1930 diễn ra sự kiện gây chấn động làng điện ảnh thế giới khi một người phụ nữ Việt Nam góp mặt trong một bộ phim của Pháp. Nữ diễn viên đó là Hoàng Thị Thế, thủ vai công chúa Li-Ti (báo Pháp gọi là công chúa Trung Hoa), trong bộ phim La Lettre (Một bức thư) của đạo diễn Louis Mercanton. Vai diễn này thành công rực rỡ, giúp bà Thế trở nên nổi tiếng toàn cầu.
Sau bộ phim, bà Hoàng Thị Thế có thêm nhiều vai diễn khác, có thể kể đến như phim La donna bianca của Jack Salvatori, Le secret de I’émeraude của Maurice de Canoge. Không chỉ gây chú ý bởi sự nghiệp diễn xuất, thân thế của nữ diễn viên Việt Nam này cũng được ngưỡng mộ không kém.
Bà Hoàng Thị Thế sinh ngày 31/3/1901 ở Yên Thế, Bắc Giang. Bà là con gái duy nhất của Hoàng Hoa Thám – lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế. Mẹ Hoàng Thị Thế là bà Đặng Thị Nho, còn gọi là bà Ba Cẩn, vợ thứ ba của Đề Thám. Năm lên 3 tuổi, Hoàng Thị Thế đã được hứa hôn với con của một hoàng đế Trung Hoa nhưng cuộc hôn nhân này bất thành.
Sinh thời Hoàng Thị Thế còn là con gái nuôi của ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897 – 1902. Sau này cha nuôi của bà trở thành Tổng thống Pháp vào năm 1931. Được biết, Hoàng Thị Thế được gặp Paul Doumer khi chỉ mới 6 tháng tuổi, nhờ mối quan hệ của cha ruột là ông Hoàng Hoa Thám. Vì yêu mến mà Toàn quyền Đông Dương khi đó đã nhận Thế làm con gái nuôi.
Với xuất thân không hề đơn giản, Hoàng Thị Thế càng được giới thượng lưu châu Âu xem trọng, vô cùng nổi tiếng tại Pháp. Năm 1930 bà chính thức tham gia diễn xuất. Sau vai diễn công chúa Li-Ti, người phụ nữ này được gọi là “Công chúa Trung Hoa”, tự xưng là “Công chúa Hoàng Thị Thế”.
Năm 1960, bà Hoàng Thị Thế trở về Việt Nam, sống tại Hà Nội rồi chuyển đến Bắc Giang. Đến năm 1974 bà về ở tại căn hộ số 31, E1 khu Tập thể Văn Chương, Hà Nội. Ngày 9/12/1988, bà Thế qua đời, được đưa về Bắc Giang an táng.
Trước đó, vào năm 1963, bà Hoàng Thị Thế đã bắt đầu viết hồi ký bằng tiếng Pháp. Quyển hồi ký này kể về quãng thời gian thơ ấu, tình cảm gia đình và nghĩa quân Yên Thế của cha bà từ năm 1906 – 1909. Nổi bật trong những trang hồi ký là tinh thần mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn của Nghĩa quân Yên Thế. Con gái Hoàng Hoa Thám còn tiết lộ, người Pháp đã thừa nhận tinh thần thượng võ, vị tha của cha bà khi ông nhiều lần tha cho người Pháp, bất chấp việc họ luôn tìm cách trừ khử ông.
Nhà ngoại giao độc nhất vô nhị sử Việt trả lời được câu đố hiểm của vua Nguyên và cái kết khó ngờ
Sinh thời, vị trạng nguyên này được công nhận là nhà ngoại giao khéo léo, đại công thần của nước ta. Ông còn nhận danh hiệu vẻ vang do chính vua Nguyên phong cho.