Đời sống

Không phải họ Trần hay họ Nguyễn, đây mới là dòng họ hiếm hoi ở Việt Nam 10 đời liên tiếp làm quan lớn

Tại Việt Nam, dòng họ này không có số lượng đông như họ Nguyễn, họ Trần hay họ Phạm… Tuy nhiên, họ vẫn nổi tiếng là dòng họ văn võ lừng danh, có nhiều bậc hiền tài giúp đất nước.

Một trong những dòng họ lớn nhất của làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) từ xưa đến nay là họ Nghiêm. Họ có nhiều danh nhân làm rạng danh dòng họ ở lĩnh vực văn nghiệp lẫn võ nghiệp.

Theo gia phả họ Nghiêm làng Quan Độ, thủy tổ dòng tộc là cụ Nghiêm Phúc Lý - một vị võ quan thời nhà Lý - khởi phát từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Đáng nói là liên tiếp 10 đời sau đó, họ Nghiêm đều có người làm quan võ trong triều đình, giữ những chức vụ quan trọng. Nổi bật hàng đầu là Đại tư mã Nghiêm Tĩnh – hậu duệ đời thứ 29 của dòng họ Nghiêm tại làng Quan Độ.

dong-ho-nghiem-5
Cổng vào nhà thờ Họ Nghiêm ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Nghiêm Xuân Khoái

Nghiêm Tĩnh văn võ song toàn, tính tình thẳng thắn, chân thực lại thông minh, nhanh nhẹn. Năm 25 tuổi, Nghiêm Tĩnh đã ra làm quan võ dưới thời vua Lý Cao Tông, lên đến chức Đại tư mã kiêm Thị trung. Sau này ông được vua phong tước Quận công. Sau nhiều năm phò tá vua, Nghiêm Tĩnh được phong tước quận công, khi mất còn được an táng và lập đền thờ ở quê.

dong-ho-nghiem-2
Họ Nghiêm ở Quan Độ có tới 10 đời liên tiếp làm võ quan cùng 2 nhà khoa bảng. Ảnh: Báo Giáo Dục Và Thời Đại

Con trai của Đại tư mã Nghiêm Tĩnh là tướng quân Nghiêm Kế. Ông có công lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc Nguyên – Mông lần thứ nhất. Đích thân Trần Hưng Đạo đã giao cho Nghiêm Kế hàng vạn binh sĩ để mở những trận huyết chiến với quân thù. Nhờ lập nhiều chiến công hiển hách, ông được vua Trần phong đặc tiến phụ quốc – Bắc vệ Đại tướng quân và ban Hầu tước, rồi lên Công tước, tặng phong Thái bảo dũng Quận công.

dong-ho-nghiem-3
Nhà thờ họ Nghiêm hiện còn lưu giữ nhiều tư liệu quý mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, phong tục, khoa bảng. Ảnh: Báo Giáo Dục Và Thời Đại

Ngoài những danh tướng đời này sang đời khác như Nghiêm Tĩnh, Nghiêm Kế, dòng họ Nghiêm còn có truyền thống khoa bảng nổi tiếng. Các đời nối tiếp nhau, con cháu của họ Nghiêm luôn phát huy truyền thống này và thi cử đỗ đạt, ra làm quan.

Thời vua Lê Thánh Tông, Nghiêm Phụ trở thành nhà khoa bảng đầu tiên của dòng họ Nghiêm. Nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá ông chính là người khai khoa cho dòng họ, từ chỗ là thập đại liên đăng quan triều toàn với tư cách võ quan, họ Nghiêm đã bắt đầu có nhà khoa bảng lớn, mở ra thời kỳ thi cử đỗ đạt.

dong-ho-nghiem-4
Lời tựa của cuốn 'Nghiêm tính gia kê' do Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm biên soạn năm 1498. Ảnh: Báo Giáo Dục Và Thời Đại

Cùng thời với Nghiêm Phụ, em họ của ông là Nghiêm Ích Khiêm đỗ Hoàng Giáp tiến sĩ thời Hồng Đức thứ 21 (1490). Sau này, dù mất sớm ở tuổi 41, nhưng ông đã kịp soạn và để lại cho dòng họ Nghiêm cuốn “Nghiêm tính gia kê” (năm 1498), hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - là một trong những cuốn gia phả có niên đại sớm nhất ở Việt Nam.