Hà Nội sắp có đường Trinh Tiết: Tên gọi gắn liền với truyền thuyết xúc động, nằm ở vị trí nào?
Con đường có tên cực lạ: Trinh Tiết đang là chủ đề được bàn tán khá nhiều. Tại sao nó lại có cái tên này? Vị trí con đường nằm ở đâu trong Hà Nội?
Ngày 2/7, tại chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài một số con đường, tuyến phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Một điểm gây chú ý là HĐND TP Hà Nội đã quyết định đặt tên đường Trinh Tiết. Con đường này nằm ở đoạn từ cổng làng Trinh Tiết, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức đến ngã ba giao cắt đường dự kiến đặt tên “Trung Nghĩa” ở ngã ba chợ Sêu.
Đường Trinh Tiết sắp được đặt tên. Ảnh: Vietnamnet
Về cơ sở đặt tên đường là Trinh Tiết, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội – ông Đỗ Đình Hồng cho biết, con đường được đặt tên theo làng cổ ở huyện Mỹ Đức. Nơi này cũng có đình đền Trinh Tiết, đã được xếp hạng cấp thành phố.
Riêng cái tên Trinh Tiết, thoạt đầu nhiều người cho rằng nó mang nặng quan niệm xưa cũ về “cái ngàn vàng” cho phụ nữ. Nhưng thực tế ý nghĩa phía sau lại vô cùng đặc biệt. Từ tên đường sắp đặt đến tên làng, tên đình đền không phải ngẫu nhiên mà được đặt là Trinh Tiết.
Làng Trinh Tiết xưa có tên là Bối Lang. Chợ Sêu nổi tiếng vùng sông Đáy nằm ở làng này nên nhiều người cũng gọi tên làng theo tên chợ cho dễ nhớ. Dân làng đến nay vẫn truyền tai nhau về truyền thuyết về mẹ của thành hoàng làng (tướng Bảo Công). Gia đình họ vốn rất hạnh phúc, nhưng sau khi tướng Bảo Công chào đời thì cha ông qua đời, để lại một mẹ một con nương tựa vào nhau mà sống.
Dù sống cảnh mẹ góa con côi vất vả trăm đường nhưng mẹ tướng Bảo Công vẫn kiến quyết từ chối đi bước nữa. Bà một lòng thủ tiết, không tái giá, ở vậy nuôi con. Cảm phục con người mẹ tướng Bảo Công, dân làng này cũng tự hứa phải sống chung thủy trong đời sống vợ chồng.
Đến thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông đi thuyền qua làng, xúc động khi nghe được câu chuyện thủ tiết thờ chồng, nuôi con thành tài này nên đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết. Tại làng này từ đó có thêm tục không tái hôn khi vợ/chồng qua đời. Thời chiến, biết bao người đàn ông của làng ra trận mạc rồi hi sinh, vợ của họ ở nhà cũng không đi bước nữa dù đã có con hay chưa.
“Không có quy ước nào của làng bắt người phụ nữ hay đàn ông nào đó không được tái giá. Song dường như họ cứ theo gương người đi trước, tình nguyện sống như vậy”, ông Bùi Văn Thái – trưởng thôn Trinh Tiết từng chia sẻ với báo Tiền Phong vào năm 2022.