Đời sống

Con đường đắt đỏ hàng top thế giới nằm ở TP.HCM: Lâu đời nhất nhì Sài Gòn, được tráng nhựa đầu tiên

Con đường đắt đỏ hàng top thế giới nằm ở TP.HCM: Lâu đời nhất nhì Sài Gòn, được tráng nhựa đầu tiên

Con đường có lịch sử lâu đời của TP.HCM nằm ở vị trí thứ 13 trong danh sách những con đường đắt nhất thế giới. Trong quá khứ, nó từng là bộ mặt của cả thành phố.

Cuối năm 2023, Cushman & Wakefield công bố danh sách những đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới. Trong đó có sự xuất hiện của một con đường ở Việt Nam – Đường Đồng Khởi (TP.HCM).

duong-catinat-1
Đường Catinat nay là đường Đồng Khởi. Ảnh: Thanh Niên

Theo tìm hiểu của Cushman & Wakefield, đường Đồng Khởi có giá thuê mặt bằng là 390 USD/feet vuông/năm (khoảng 100 triệu đồng/m2/năm). So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá này đã tăng 17%.

Khảo sát trước đó còn cho thấy giá bán bất động sản ở đường Đồng Khởi rơi vào mức giá từ 1 – 1,5 tỉ đồng/m2, có nơi lên đến 2 tỉ đồng/m2.

duong-catinat-2
Đường Đồng Khởi hiện nay vẫn là con đường sầm uất và có giá đắt đỏ nhất Sài Gòn. Ảnh: Trung Sơn

Đường Đồng Khởi là con đường có lịch sử lâu đời, gắn liền với những thăng trầm của TP.HCM. Con đường dài chưa đến 1km, chạy từ nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đến Bến Bạch Đằng, từng là một trong những biểu tượng của Sài Gòn xưa với cái tên đường Catinat.

Cái tên Catinat được De La Grandiere chọn đặt vào năm 1859, lấy cảm hứng từ tên một thống chế người Pháp dưới thời vua Louis XIV. Trước đó, con đường này chỉ đơn giản gọi là đường 16.

duong-catinat-3
Đường Catinat dưới thời Pháp thuộc là con đường sầm uất nhất Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Có nhiều tài liệu cho biết, đường Catinat là con đường đầu tiên được Pháp tu sửa sau khi quy hoạch lại Sài Gòn. Năm 1890, con đường này được tráng nhựa, trở thành đường đầu tiên được làm điều đó ở thành phố. Cũng vì sự lạ lẫm đó mà người dân thời bấy giờ gọi nó là đường Cao Su.

duong-catinat-5
Bức ảnh được chụp vào năm 1901, lúc này Sài Gòn vẫn dùng loại đèn thắp dầu để chiếu sáng. Ảnh tư liệu

Với người Sài Gòn xưa, con đường này là trung tâm sinh hoạt, nơi sầm uất nhất thành phố. Người Pháp thì coi Catinat là trung tâm bộ máy thuộc địa, xây dựng nhiều cơ quan, cơ sở quan trọng tập trung xung quanh, có thể kể đến như dinh Thủy sư Đề đốc, Nha Giám đốc Nội vụ, Nhà thờ Notre Dame (nay là Nhà thờ Đức Bà), Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện), nhà hát Tây (nay là nhà hát thành phố)… Bởi vậy, không quá khi nói Catinat xưa chính là bộ mặt của Sài Gòn.

duong-catinat-7
Bức ảnh được cho là chụp vào khoảng cuối thập niên 1910 và đầu 1920. Ảnh tư liệu

Từ 1954 – 1975, đường Catinat có tên là đường Tự Do. Tên gọi này thể hiện khát vọng, niềm tin về độc lập, tự do của người dân Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đường được đổi tên thành đường Đồng Khởi. Cái tên đặc biệt này đánh dấu sự đồng lòng, chung sức của người dân cả nước trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

duong-catinat-6
Bức ảnh được chụp cuối thế kỷ 19 này ghi lại đoạn đầu đường Catinat. Ảnh tư liệu

Ngày nay, đường Đồng Khởi là một trong những con đường đẹp nhất TP.HCM. Nơi đây vẫn là trung tâm văn hóa, lịch sử, biểu tượng cho một thành phố trẻ, năng động. Hầu hết du khách đến TP.HCM đều phải ghé qua con đường này.

Đường Đồng Khởi bây giờ tập trung rất nhiều khách sạn năm sao quốc tế lâu đời như Continental (1880), Majestic (1925), Grand Hotel Saigon (1930), Saigon Palace (Grand Hotel Sài Gòn), khách sạn Caravelle (1957)… Ngoài ra còn nhiều công trình kiến trúc đi cùng năm tháng, đã có tuổi đời hơn trăm năm như Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn… Hay các công trình hiện đại như Vincom Đồng Khởi, Unicon Square, Opera House…