Con đường ngắn nhất Hà Nội: Là đường duy nhất ở Thủ đô được Bác Hồ đặt tên, từng có tên rất lạ
Con đường này là một trong những con đường đặc biệt nhất Hà Nội. Nó vừa có chiều dài ngắn nhất, lại là đường duy nhất tại Thủ đô được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải có nhắc đến một con đường trong bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”.
Chắc hẳn nhiều người vẫn lạ lẫm không biết đường Cổ Ngư là đường nào, nằm ở đâu? Để trả lời câu hỏi này, phải quay ngược thời gian về thế kỷ 14. Bấy giờ đường Cổ Ngư vẫn chỉ là một cái đập được đắp lên để tiện bắt cá trong hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Sau này người Pháp bắt đầu chú ý đến nó và cho mở rộng nó. Người Pháp đặt cho cái tên Lyoutey. Nhưng người dân Hà Nội thì vẫn quen gọi nó là đường Cổ Ngư.
Thật ra Cổ Ngư vốn tên gốc là Cố Ngự (giữ vững). Theo thời gian, người dân địa phương đã đọc chệch nó đi thành Cổ Ngư.
Đến năm 1957 giải phóng Thủ đô, đường Cổ Ngư được hàng vạn thanh niên, cơ quan ở Hà Nội cải tạo trở nên khang trang, to rộng hơn. Năm 1959, sau khi con đường hoàn thành, Chủ tịch UBND Hà Nội khi đó là Bác sĩ Trần Duy Hưng đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhờ Bác đặt tên mới cho đường. Sau một lúc nghĩ ngợi, Người đã quyết định đặt cho đường cái tên Thanh Niên, cũng là để ghi nhận công sức, đóng góp của thế hệ trẻ trong việc xây dựng nên con đường.
Đường Thanh Niên nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch, cách hồ Gươm khoảng 3km về phía Tây Bắc. Con đường này chỉ dài khoảng 1km, kéo dài từ dốc Yên Phụ đến ngã tư Quán Thánh – Thụy Khuê. Nó là con đường ngắn nhất Hà Nội.
Ngày nay, đường Thanh Niên là một trong những con đường to, rộng rãi, đẹp nhất Hà Nội. Nơi đây có sự hài hòa giữa những giá trị lịch sử như chùa cổ Trấn Quốc (chùa lâu đời nhất Thủ đô, xây từ thời Lý Nam Đế), đền Quán Thánh (một trong Thăng Long Tứ trấn). Phía đầu đường còn có vườn hoa Tây Hồ, tượng đài Lý Tự Trọng với cây đa do chính tay Bác Hồ trồng.
Đi cùng với đó, đường Thanh Niên còn vô cùng lãng mạn khi nằm vắt qua hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Người dân yêu thích nhất là ngắm hoàng hôn, bình minh trên con đường này. Có lẽ vì vậy mà có một bộ phận giới trẻ gọi con đường này là “đường tình yêu”.