Đời sống

Từ ngày 1/7, Căn cước công dân có 3 thay đổi quan trọng người dân nào cũng phải nắm rõ

 

Theo Nghị định 70/2024, từ ngày 1/7, căn cước công dân sẽ có một số thay đổi quan trọng, người dân cần chú ý nắm rõ.

Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, trẻ dưới 6 tuổi được cấp Thẻ căn cước

Từ ngày 1/7, Luật căn cước 2023 chính thức có hiệu lực. Theo đó, thẻ căn cước công dân sẽ được đổi tên thành Thẻ căn cước.

Trong thẻ căn cước mới có bổ sung thêm thông tin về nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú của công dân. Bên cạnh đó, những thông tin như quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng sẽ được bỏ.

Đáng chú ý, đối tượng được cấp thẻ căn cước cũng mở rộng ra, bao gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước. Người đại diện hợp pháp của trẻ dưới 6 tuổi sẽ làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Với trẻ dưới 6 tuổi, cơ quan chức năng sẽ không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.

Từ 1/7, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước. Giấy tờ này chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sống ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Để giúp người đó thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

the-can-cuoc-1

Những trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước

Theo Nghị định 70/2024, giấy chứng nhận căn cước được cấp đổi trong các trường hợp sau:

- Bị hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi thông tin về căn cước; có sai sót về thông tin trên giấy chứng nhận căn cước.

- Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có yêu cầu và khi giấy chứng nhận căn cước hết hạn sử dụng.

Với người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch, bị mất giấy chứng nhận căn cước sẽ được cấp lại.

Khi cấp đổi, cấp lại căn cước, người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch đến với cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi người đó sinh sống, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi ở hiện tại.

Với những trường hợp đổi giấy chứng nhận căn cước thì giấy đã cấp trước đó sẽ được thu lại.

the-can-cuoc-2

Giấy tờ cần nộp để cấp giấy chứng nhận căn cước

Người thuộc diện được cấp giấy chứng nhận căn cước sẽ thực hiện theo thủ tục quy định ở Điều 24, Nghị định 70/2024.

Cụ thể, người gốc Việt chưa xác định quốc tịch sẽ đến cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện nơi mình sinh sống để thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch sẽ tiến hành kê khai thông tin theo mẫu Phiếu thu thập thông tin dân cư và cung cấp các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến bản thân và gia đình (nếu có), bao gồm:

- Giấy tờ, tài liệu do cơ quan của Việt Nam cấp có chứa thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh về mối quan hệ huyết thống với người có quốc tịch hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam.

the-can-cuoc-3

Nếu giấy tờ tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự và công chứng các bản dịch, các tài liệu, giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Khi đến thực hiện các thủ tục, người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch sẽ được thu nhận thông tin sinh trắc học về vân tay (trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi), ảnh khuôn mặt, mống mắt.

Thời hạn 1 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành kê khai, cơ quan quản lý căn cước của Công an cấp huyện phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch đã kê khai. Thời hạn kiểm tra xác minh là 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

Cơ quan đăng ký cư trú nơi người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch sinh sống có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin về việc người đó đã sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại địa phương.

Sau khi thông tin được kiểm tra, xác nhận chính xác và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước thì Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an sẽ thực hiện xác lập số định danh các nhân cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch, đồng thời cấp giấy chứng nhận căn cước cho người đó.

Giấy chứng nhận căn cước sẽ được chuyển về cho công an cấp huyện để trả cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Trong Luật Căn cước 2023 còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một că cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 lên VNeID.