Gia đình đặc biệt nhất Việt Nam có vợ và chồng đều là tướng nổi tiếng, trụ cột đất nước một thời
Hiếm có cặp vợ chồng nào lại cùng làm võ tướng, trụ cột của một triều đại như hai nhân vật này. Họ đều có tầm ảnh hưởng rất lớn trong nhà Tây Sơn năm xưa.
Dưới triều đại của hoàng đế Quang Trung có rất nhiều tướng giỏi đi theo. Trong số các trụ cột của Tây Sơn, không thể không kể đến cặp vợ chồng võ tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Họ đều tham gia khởi nghĩa từ rất sớm, lập hàng loạt chiến công hiển hách giúp Quang Trung lên ngôi.
Trần Quang Diệu (1746-1802) người làng Kim Giao, xã Liên Chiểu (nay thuộc xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Cũng có tài liệu cho rằng ông tên Trần Văn Đạt, là người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Sử sách chép lại, Trần Quang Diệu là võ tướng quan trọng nhất của Tây Sơn. Ông đứng trong hàng ngũ “Tây Sơn Thất Hổ Tướng”, là một trong những tướng lĩnh trung thành đến cùng để bảo vệ bằng được triều đại này.
Trong khi đó, Bùi Thị Xuân (? – 1802) người làng Phú Xuân (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) là cháu của thái sư Bùi Đắc Tuyên. Bùi Thị Xuân không chỉ giỏi võ mà còn rất xinh đẹp. Bà có nhiều tài lẻ và đặc biệt giỏi trong việc huấn luyện voi chiến. Bùi Thị Xuân chính là nữ tướng kiệt xuất của Quang Trung, người chỉ huy đội tượng binh khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh vô cùng kinh hãi.
Sử chép rằng thời điểm chưa gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, Bùi Thị Xuân đã tự phong cho mình là “Tây Sơn nữ tướng”. Sau khi về dưới trướng Quang Trung, bà được đích thân vị thủ lĩnh này ban tặng thêm 4 chữ: “Cân quắc anh hùng” – bậc nữ lưu có khí phách.
Bùi Thị Xuân tình cờ gặp Trần Quang Diệu vì một sự kiện hữu duyên. Lần đó, Trần Quang Diệu trên đường đến Tây Sơn tụ nghĩa đã gặp một con hổ lớn. Ông đánh nhau với nó, bị trọng thương. Đúng lúc ấy, bà Xuân đi qua và xông vào cứu, đồng thời đưa về nhà cứu chữa.
Tình cảm của họ nảy sinh sau sự việc đó. Cuối cùng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đã thành gia thất rồi cùng về đầu quân cho Quang Trung.
Trước khi đưa quân đánh chiếm thành Quy Nhơn, mở đầu cho khởi nghĩa Tây Sơn, Trần Quang Diệu được phong làm Đô đốc, vợ ông được phong Đại Tổng lý, cả hai đều là quan võ. Riêng Bùi Thị Xuân còn có nhiệm vụ rèn luyện voi chiến và điều hành đội nữ binh trên 2.000 người. Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu được phong Thiếu phó và Bùi Thị Xuân là Đô đốc.
Dù đã nên duyên vợ chồng nhưng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân sống xa nhau là chính. Họ đều là tướng lĩnh hàng đầu nên phải xông pha trận mạc liên miên. Ví dụ như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, cả hai đều thống lĩnh, điều khiển bộ binh; trận Ngọc Hồi - Đống Đa họ đều lập công xuất sắc.
Trần Quang Diệu sau này được hoàng đế Quang Trung cử làm Đốc Trấn Nghệ An, là người đứng ra tổ chức xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.
Sau khi hoàng đế Quang Trung qua đời, nhà Tây Sơn suy yếu nhưng vợ chồng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân vẫn kiên cường, cố gắng giữ vững triều đại đến cùng. Nhưng đến năm 1802, vợ chồng vị tướng này và con gái bị Nguyễn Ánh bắt được khi đang rút quân ra Bắc. Trần Quang Diệu được chiêu hàng nhưng mạnh mẽ từ chối.
Ông nói: “Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu”.
Cuối cùng, vợ chồng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân và con gái vẫn bị hành hình. Người dân tưởng nhớ công ơn họ đã lập đền thờ khắp nơi. Ngày nay, trên nhiều tỉnh thành có tên đường, trường học, địa danh đặt theo tên hai vị tướng anh dũng này.