Đời sống

Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam: Được Bác Hồ giao cả Nam Bộ vào tay, có biệt danh độc nhất vô nhị

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tin tưởng nói với vị tướng này: “Bác giao cả Nam Bộ cho chú”. Kết quả, ông không phụ lòng tin của Người, làm rất tốt nhiệm vụ được giao.

Trong số các tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có một người rất đặc biệt. Xét về cấp hàm, ông chỉ đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên sự nghiệp nhà binh, ông nổi tiếng là người tài đức vẹn toàn, có biệt danh “tướng độc nhãn”(tướng một mắt). Điều đáng tiếc nhất là vị tướng này hi sinh quá sớm. Đó có lẽ là một phần lý do khiến tên tuổi của ông ít được nhắc đến. Nhưng nếu lật dở lại những trang sử của dân tộc, vị trí của vị tướng này là không thể phủ nhận. Người được nhắc đến chính là Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam – Trung tướng Nguyễn Bình.

trung-tuong-nguyen-binh-3
Trung tướng Nguyễn Bình (1908 - 1951). Ảnh chụp năm 1950 tại Đồng Tháp Mười. Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Bình (1908 – 1951), tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, vào Quốc dân Đảng năm 20 tuổi, sau đó bị đày ra Côn Đảo khi chỉ mới 20 tuổi.

Sớm trải qua nhiều gian khổ, tinh thần của đồng chí Nguyễn Bình cũng được mài giũa kỹ càng. Ông dần giác ngộ từ những người bạn tù cộng sản và thay đổi quan điểm chính trị.

trung-tuong-nguyen-binh-1
Lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình - vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại làng Nhơn Hòa Lập, tỉnh Đồng Tháp (7/1948). Ảnh tư liệu

Sinh thời, Trung tướng Nguyễn Bình có biệt danh là “tướng độc nhãn” (tướng một mắt). Chuyện bắt đầu từ sự kiện thanh trùng khi ông còn bị lưu đày tại Côn Đảo. Vì “phản đảng”, thay đổi quan điểm chính trị nên ông bị những người “đồng đội cũ” ở Quốc dân đảng ám sát. May mắn thoát chết nhưng đồng chí Trần Bình bị đâm hỏng một mắt.

Thoát chết, ông nói với những người bạn tù khác: “Tuy mất một con mắt nhưng tôi lại thấy sáng hơn khi còn hai con mắt”. Nói cách khác, cũng sau sự kiện này ông càng tin tưởng hơn vào quyết định chuyển hướng của mình.

trung-tuong-nguyen-binh-2
Trung tướng Nguyễn Bình (đeo kính) cùng các lãnh đạo tại chiến khu D. Ảnh tư liệu

Sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Bình trở lại quê hương hoạt động, được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ lên Lai Châu thu thập nguyên liệu chế tạo lựu đạn. Sau này, ông còn thành lập các cơ sở Việt Minh trên địa bàn Hải Phòng.

Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Bình cùng đồng đội đã dũng cảm tiêu diệt 4 đồn địch ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch, góp công lớn hình thành nên chiến khu Trần Hưng Đạo.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Bình, ngày 16/7/1945, quân ta làm chủ hoàn toàn được tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng (đều thuộc Quảng Ninh ngày nay). Qua đó, nơi đây trở thành địa phương đầu tiên ở miền Bắc giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

trung-tuong-nguyen-binh-6
Trung tướng Nguyễn Bình ( đeo kính) tại chiến trường khu D. Ảnh Tư liệu

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ mới cho đồng chí Nguyễn Bình. Lúc này vị Tư lệnh Ủy ban quân sự liên tình Duyên hải Đông Bắc được tin tưởng điều vào Nam Bộ.

Khi giao nhiệm vụ, Bác nói: “Bác nghĩ rằng các lực lượng vũ trang trong đó đang cần một chỉ huy tài năng để tập hợp cán bộ địa phương lại, nếu không sẽ có thể xảy ra nạn thập nhị sứ quân rất tai hại trong lúc này. Người chỉ huy đó phải biết rõ miền Nam, lại phải là một người có đủ bản lĩnh thu hút những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên. Chú có thể đảm nhận được vai trò đó không?”.

Đáp lại sự tin tưởng của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Bình dõng dạc: “Bác đã tín nhiệm cháu, cháu xin nhận”.

trung-tuong-nguyen-binh-4
Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng (đứng bên trái), Võ Nguyên Giáp ( bên phải) và Nguyễn Bình (đứng giữa) trước ngày đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam Bộ.

Trước ngày đồng chí Nguyễn Bình vào miền Nam, đại diện thành phố Hải Phòng đã trao tặng ông khẩu súng Wicker. Nhận món quà, vị tướng này nói: “Bác đã giao miền Nam cho Nguyễn Bình, thành phố Cảng tặng Nguyễn Bình khẩu súng này để hoàn thành nhiệm vụ Bác giao. Nguyễn Bình thề với khẩu súng này: Nếu để Nam Bộ mất, Nguyễn Bình sẽ chết với khẩu súng này”.

Quả thật ông đã không phụ lòng tin tưởng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ. Với tư cách Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Bình đã dần dần xây dựng nên Trường Quân chính, Biệt động thành, Tự vệ thành, đặt nền móng vững vàng cho lực lượng vũ trang miền Nam ngày càng lớn mạnh.

trung-tuong-nguyen-binh-7
Trung tướng Nguyễn Bình trong một chuyến công tác. Ảnh Tư liệu

Nhờ những đóng góp to lớn đó, trong đợt phong quân hàm tướng đầu tiên của đất nước (1/1948), đồng chí Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong hàm Trung tướng. Ông chính là Trung tướng đầu tiên của QĐND việt Nam.

Tài giỏi hơn người, nhân cách và uy tín cũng đã được khẳng định, nhưng đáng tiếc là Trung tướng Nguyễn Bình lại hi sinh khá sớm. Năm 1951, khi đang ở độ chín, vị tướng này đột ngột hi sinh ở Campuchia, trong một chuyến công tác đặc biệt. Về sau Trung tướng Nguyễn Bình trở thành người đầu tiên trong quân đội được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất. Cùng với đó, ông còn nhận Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND.