Thân thế vị Cục trưởng đầu tiên của Cục Tình báo Việt Nam, do đích thân Bác Hồ ‘chọn mặt gửi vàng’
Cuộc đời vị thủ trưởng đầu tiên của Cục Tình báo Việt Nam có nhiều tình tiết hấp dẫn, lý thú mà cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa được biết hết.
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 108, trong đó ghi rõ: “Chiểu sắc lệnh số 47-SL ngày 1/5/1947 tổ chức Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam; Chiểu đề nghị của ông Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam đã cùng ông Bộ trưởng ra sắc lệnh cử ông Trần Hiệu làm Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam…”.
Đại tá Trần Hiệu (1914 – 1997), tên thật là Vũ Văn Địch, quê ở Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Ông nguyên là Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ, Cục trưởng Tình báo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Giám đốc đầu tiên của “Nha liên lạc” - Cơ quan Tình báo Chiến lược trực thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Đại tá Trần Hiệu xuất thân trong một gia đình nông dân theo Nho học, có truyền thống yêu nước. Năm 12 tuổi, cậu bé Hiệu đã bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước ở quê nhà. Sau đó không lâu, khi còn học lớp nhì đệ nhất cấp ở trường Bờ Sông, đồng chí Trần Hiệu đã được kết nạp vào tổ chức thanh niên cộng sản. Tiếp đến, ông đi học nghề thợ nguội ở xưởng Tân Thành, phố Hàng Nón.
Năm 1935, đồng chí Trần Hiệu học nghề sửa xe ô tô tại trường Kỹ nghệ thực hành. Trong quãng thời gian theo học ở đây, ông bí mật làm báo với các đồng chí như Vũ Đức Toa, Nguyễn Quyết. Đến khi nhà trường phát hiện, Trần Hiệu bị đuổi học.
Trở lại Hà Nội, đồng chí Trần Hiệu tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, Hội ái hữu và Đoàn thanh niên dân chủ. Đến năm 1938, đích thân đồng chí Trường Chinh, Đào Duy Kỳ đã giới thiệu đồng chí Trần Hiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Hiệu từng bị địch bắt giam, phải đến nhiều nhà tù. Trong lao ngục gian khổ, ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước của người chiến sĩ cách mạng vẫn không bị lay chuyển. Ông từng cùng các bạn tù tuyệt thực để phản đối chế độ thực dân. Trước sự “cứng đầu” này, bọn thực dân đã phải đưa đồng chí Trần Hiệu cùng 7 đảng viên cộng sản, 3 chính trị phạm khác sang Madagascar (châu Phi) lưu đày.
Mãi đến năm 1942, đồng chí Trần Hiệu cùng các bạn tù được trả tự do. 1 năm sau, ông và đồng đội tìm được kế sách để về nước theo diện “Quân chí nguyện Đông Dương” của lực lượng dưới quyền tướng Đờ Gôn. Đến năm 1944, đồng chí Trần Hiệu nằm trong số những người được chỉ huy quân đội Anh đưa sang Ấn Độ tham dự lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo. Họ được huấn luyện về lý thuyết về tình báo, cách đánh moóc-xơ và kỹ thuật mật mã.
Tháng 4/1945, trên chiếc máy bay B-29 của Anh, đồng chí Trần Hiệu nhảy dù xuống làng Tiên Lữ, huyện Quốc Oai, Hà Đông cùng 2 người khác là Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng. Họ được nhân dân che chở và tìm được đường về nhà. Ít lâu sau, những người cộng sản này cũng bắt được liên lạc với Xứ ủy Bắc kỳ.
Chính Phó bí thư Xứ ủy Trần Quốc Hoàn đã quyết định đưa ông Nguyễn Văn Phòng đi gặp Tổng Bí thư Trường Chinh. Tổng Bí thư xúc động, động viên các đồng chí khi họ lợi dụng được bọn đế quốc, thực dân để trở về với Đảng và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Về phần đồng chí Trần Hiệu, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục ẩn náu tại một ngôi chùa ở xóm La Dương, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Ba nhiệm vụ chính của ông là giữ liên lạc với người Anh, liên lạc giữa Xứ ủy và Trung ương bằng điện đài, đồng thời chuẩn bị để mở lớp huấn luyện trinh sát quân sự cho Xứ ủy.
Tháng 8/1945, đồng chí Trần Hiệu tham gia chỉ đạo khởi nghĩa tại Hà Đông. Ông chính là người đại diện cho cách mạng, nhận sự bàn giao chính quyền từ Tổng đốc Hà Đông – Hồ Đắc Điếm. Về sau, ông phụ trách phòng án Chính trị, Phó giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Dấu ấn của đồng chí Trần Hiệu trong thời gian này vô cùng rõ nét. Ông có công lớn trong trấn áp bọn phản động, tay sai của Tàu Tưởng, tiêu diệt bọn phản động Đại Việt, Quốc Dân Đảng ở Hà Nội…
Nhờ những đóng góp to lớn, tháng 3/1947, đồng chí Trần Hiệu có mặt trong đội ngũ Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng. Gần 1 năm sau, ông được Bác Hồ và Đảng, Nhà nước ta giao nhiệm vụ giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo. Đến tháng 4 năm 1950, Cục Tình báo chính thức giải thể, ông được cử sang làm Phó giám đốc Nha Công an Việt Nam kiêm Trưởng ty Tình báo - Nha Công an.
Năm 1951, đồng chí Trần Hiệu lại được Bác Hồ ký sắc lệnh bổ nhiệm là giám đốc Nha liên lạc. Sau năm 1957, Nha liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo – Bộ Tổng tham mưu thành Cục Tình báo, đồng chí Trần Hiệu tiếp tục làm Cục trưởng.
Năm 1958, vị thủ trưởng đầu tiên của Cục Tình báo nhận hàm đại tá. Trong sự nghiệp của mình, ông đã giữ chức vụ thủ trưởng này trong 13 năm liên tiếp, có nhiều cống hiến to lớn trong đào tạo nên các thế hệ cán bộ tình báo giỏi. Với con mắt tinh tường, chính Đại tá Trần Hiệu đã tìm ra các nhà tình báo chiến lược như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Lê Hữu Thúy...