Đời sống

Thạc sĩ vật lý đầu tiên của Việt Nam: Được Bác Hồ mời làm Bộ trưởng Giáo dục, có tên gọi độc nhất vô nhị

Thạc sĩ vật lý đầu tiên của Việt Nam: Được Bác Hồ mời làm Bộ trưởng Giáo dục, có tên gọi độc nhất vô nhị

Vị thạc sĩ tài ba này là một trong những trí thức hàng đầu Việt Nam thời bấy giờ. Điều đặc biệt là trên thế giới có lẽ không một ai trùng tên với vị giáo sư này.  

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một vị giáo sư đến gặp để giao cho ông chức Bộ trưởng Giáo dục. Bất ngờ là người này lại từ chối: “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”.

Sau cùng ông đề cử Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và được Bác đồng ý. Về phần mình, vị giáo sư vui vẻ nhận chức Giám đốc Trung học vụ (thuộc Bộ Giáo dục).

nguy-nhu-kon-tum-2
Chân dung giáo sư năm 1940. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet

Người giáo sư đáng kính, đầy tâm huyết đó là Ngụy Như Kon Tum (1913 – 1991), quê gốc tại Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, Kon Tum. Cha của ông là cụ Ngụy Như Bích, một chủ sự bưu điện kiêm thầy thuốc nổi tiếng. Tên của giáo sư Ngụy Như Kon Tum lẫn chị gái Ngụy Như Ban Mê Thuột đều do cha đặt, gắn liền với địa danh nơi họ được sinh ra. Những cái tên này là độc nhất vô nhị trên thế giới.

Từ nhỏ Ngụy Như Kon Tum đã bộc lộ sự thông minh hơn người. Ông từng là học sinh xuất sắc của Trường Quốc học, sau này nhận học bổng để học Ban tú tài bản xứ ở trường Bưởi - Hà Nội.  Năm 1932, Ngụy Như Kon Tum một lần nhận 3 bằng tú tài: tú tài Tây ban Toán, tú tài Tây ban Triết và tú tài bản xứ. nhờ thành tích xuất sắc, ông được cấp học bổng sang Paris học tại Đại học Sorbonne.

3 năm tại Pháp, Ngụy Như Kon Tum đã lấy được bằng cử nhân khoa học, tiếp tục đạt bằng thạc sĩ vật lý, trở thành vị thạc sĩ vật lý đầu tiên của Việt Nam. Tiếc là khi Ngụy Như Kon Tum đang làm luận án tiến sĩ thì Thế chiến thứ 2 xảy ra. Bấy giờ Ngụy Như Kon Tum 26 tuổi, quyết định rời Paris, về Việt Nam cống hiến cho dân tộc.

nguy-nhu-kon-tum-1
Chân dung GS Ngụy Như Kon Tum. Ảnh: Báo Kon Tum

Năm 1941, giáo sư Ngụy Như Kon Tum về giảng dạy ở trường Bưởi. Suốt những năm sau đó, ông cùng các trí thức yêu nước khác như giáo sư Dương Quảng Hàm, giáo sư Nguyễn Xiển đã có nhiều đóng góp trong thúc đẩy sử dụng tiếng Việt trong ngành giáo dục, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Năm 1945, Ngụy Như Kon Tum trở thành Giám đốc Đông Dương học xá. Chỉ sau ngày 2/9/1945, Chủ tich Hồ Chí Minh đã đích thân tìm đến nhà riêng của vị giám đốc này để trò chuyện. 1 năm sau, câu chuyện về chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục diễn ra.

nguy-nhu-kon-tum-3
Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đứng cạnh Bác Hồ trong buổi Bác Hồ về nói chuyện với thầy và trò Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Báo Kon Tum

Ngưỡng mộ con người của Bác Hồ, giáo sư Ngụy Như Kon Tum thậm chí còn quyết định rời Hà Nội để lên Việt Bắc cùng toàn dân chống Pháp. Ông cùng người vợ là Nguyễn Thị Đỗ (từng là hoa hậu Hà Nội) và con gái đầu lòng không ngại trèo đèo lội suối, hòa mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp, vì đại nghĩa dân tộc. Hình ảnh đó cho đến mãi về sau vẫn được nhắc đến như tấm gương lịch sử giá trị.

nguy-nhu-kon-tum-4
Đám cưới GS Ngụy Như Kon Tum với bà Nguyễn Thị Đỗ năm 1943. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet

Năm 1951, với mục tiêu chuẩn bị nhân lực cho đất nước khi giải phóng, giáo sư Ngụy Như Kon Tum được cử đến dạy ở khu học xá Trung ương tại Nam Ninh, Trung Quốc. Ông làm trưởng Sư phạm cao cấp và giảng dạy môn Vật lý ở trường Khoa học Cơ bản. 3 năm sau vị trí thức này về nước, tiếp tục dạy môn Vật lý ở Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Đến 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, giáo sư Ngụy Như Kon Tum được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Suốt 26 năm sau đó, ông giữ chức vụ quan trọng này.

nguy-nhu-kon-tum-5
GS Ngụy Như Kon Tum với ông Diệp Tư (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp khi ấy) tại Bắc Thái. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet

Năm 1982, sau khi được vinh danh là Nhà giáo Ưu tú, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã về hưu. Tám năm sau đó, vào ngày 20/11/1990, ông được Nhà nước tôn vinh thêm danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Ngày nay, ở Hà Nội có đường Ngụy Như Kon Tum, trong hội trường Đại học Quốc gia Hà Nội còn có một hội trường cũng đặt theo tên của vị giáo sư đáng kính này. Riêng tỉnh Kon Tum đã chọn tên ông để đặt cho một con đường, một trường học và một quỹ khuyến học.