Đời sống

Người chỉ huy quân sự đầu tiên của Đảng: Được Bác Hồ phong tướng trước cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Người chỉ huy quân sự đầu tiên của Đảng: Được Bác Hồ phong tướng trước cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sinh thời, vị tướng này là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông luôn mẫu mực, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Đáng tiếc, vị tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam lại hi sinh quá sớm.

Thời điểm toan tính giành chính quyền từ tay thực dân Pháp và bè lũ phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý đến xây dựng lực lượng vũ trang từ sớm. Người được Bác lựa chọn đầu tiên để xây dựng quân đội là một nhân vật tiếng tăm – Phùng Chí Kiên.

Đồng chí Phùng Chí Kiên, tên thật là Nguyễn Vĩ (1901 – 1941), quê ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông lớn lên trong một gia đình khó khăn. Tuy nghỉ học sớm nhưng tinh thần yêu nước của Phùng Chí Kiên thì luôn sôi sục, ôm hoài bão cứu nước, cứu dân rất sớm.

tuong-phung-chi-kien-5
Phùng Chí Kiên thời kỳ là học viên trường quân sự Hoàng Phố. Ảnh tư liệu

Tháng 10/1926, đồng chí Nguyễn Vĩ được cử đến Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Cũng tại đây, ông đã chính thức đổi tên thành Phùng Chí Kiên. Kết thúc khóa học, đồng chí được đích thân Bác gửi vào trường Quân sự Hoàng Phố.

3 năm sau khi đến Quảng Châu, đồng chí Phùng Chí Kiên được kết nạp vào ĐCS Trung Quốc, gia nhập Hồng quân. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang.

Năm 1930, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào ĐCS Đông Dương. Không lâu sau, ông được Bác Hồ gửi đi học ở Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Ngày 28/4/1941, Phùng Chí Kiên là một trong những người đi cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Cao Bằng), bắt đầu xây dựng phong trào cách mạng.

tuong-phung-chi-kien-4
Mạnh Văn Liễu (Nguyễn Vỹ – Phùng Chí Kiên) trong hồ sơ của mật thám Pháp. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phùng Chí Kiên được Bác Hồ giao nhiệm vụ soạn thảo các bài viết về “Con đường giải phóng dân tộc”. Đặc biệt, ông là người phụ trách công tác quân sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân.

Trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả. Dưới sự chỉ đạo của ông, Đội Cứu quốc quân đã bảo vệ an toàn Khu căn cứ Bắc Sơn, giúp xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương khác; bảo vệ an toàn cho các cán bộ Trung ương Đảng về quán triệt Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII; tổ chức đánh các đồn lẻ của địch, thu vũ khí.

tuong-phung-chi-kien-2
Lễ thành lập đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Ảnh tư liệu

Tháng 8/1941, trong một lần chiến đấu, đồng chí Phùng Chí Kiên bị sa vào tay địch. 1 ngày sau, chúng hành quyết ông ở Ngân Sơn, Bắc Kạn. Người chiến sĩ cách mạng tài ba, tràn đầy nhiệt huyết hi sinh ở tuổi 40, để lại biết bao tiếc nuối. Lúc bấy giờ, việc đồng chí Phùng Chí Kiên ra đi là tổn thất rất lớn với cách mạng.

6 năm sau, vào ngày 23/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây cũng chính là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta. Nói cách khác, đồng chí Phùng Chí Kiên là người được phong tướng trước cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

tuong-phung-chi-kien-3
Khu nhà thờ tại Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên ở xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Không chỉ vậy, vào tháng 11/2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận ông là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I - từ Đại hội II của Đảng năm 1951 đã thành lập ra Bộ Chính trị và không còn Ban Thường vụ Trung ương Đảng), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.

Để tưởng nhớ công lao của người chiến sĩ cách mạng này, ở nhiều địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai đều có đường phố mang tên đồng chí Phùng Chí Kiên. Ở quê nhà của ông (huyện Diễn Châu, Nghệ An) có Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên, được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2011.