Người dân tộc Nùng duy nhất được lấy tên đặt cho cửa ngõ Thủ Đô, gần như người Việt Nam nào cũng biết
Trong quá khứ, người anh hùng dân tộc Nùng này từng được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm giao liên khi Người hoạt động ở Pác Bó. Tên của ông được chọn đặt cho con đường cửa ngõ Hà Nội.
Nói đến anh hùng dân tộc là người dân tộc thiểu số, cái tên Kim Đồng đã không còn xa lạ gì với người Việt Nam. Anh là một trong những tấm gương yêu nước nổi tiếng, gần như không một người Việt Nam nào không biết đến Kim Đồng. Hai tên của anh được nhắc đến trong chương trình học, sách vở rất nhiều.
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền (1929 – 1943), người dân tộc Nùng, sinh ra ở xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh Kim Đồng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước. Mẹ Kim Đồng là thành viên Hội phụ nữ cứu quốc, gia đình chồng chị gái là nơi nhiều cuộc họp của cán bộ cách mạng diễn ra, anh trai là đội viên giải phóng quân. Từ bé, anh đã được tiếp xúc với các hoạt động cách mạng.
Năm 12 tuổi, Kim Đồng đã thay anh trai làm nhiều công việc trong nhà, đi làm phu. Năm 1940 trở đi, khu vực Trường Hà, Hà Quảng bắt đầu có phong trào cách mạng, Kim Đồng dần giác ngộ rồi theo anh trai làm công việc như canh gác, chuyển thư từ… Nhận ra tầm quan trọng của cách mạng, anh Kim Đồng cuối cùng trở thành một liên lạc viên đáng tin cậy cho tổ chức Đảng, làm quen với những công việc bí mật, đảm nhận vai trò giao thư, chuyển thư, hỗ trợ cán bộ vượt qua sự càn quét của địch.
Năm 1941, Mặt trận Việt Minh cùng nhiều hội cứu quốc khác được thành lập ở xóm Nà Mạ. Bấy giờ, Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) cũng ra đời. 5 đội viên đầu tiên gồm có: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (bí danh Cao Sơn), Lý Văn Tinh (bí danh Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (bí danh Thanh Thủy). Khi đó Kim Đồng chỉ mới 12 tuổi đã là đội trưởng của Đội Nhi đồng cứu quốc.
Hình ảnh anh Kim Đồng mặc quần áo chàm, đội mũ nồi, đeo lồng chim hoặc cần câu cá, nhanh nhẹn, khéo léo làm tròn trách nhiệm trong các nhiệm vụ đã quá nổi tiếng.
Năm 1941, Bác Hồ về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. 1 năm sau, anh Kim Đồng có dịp gặp Người ở hang Nộc Én trên núi sau xóm Nà Mạ. Bấy giờ, đích thân Bác đã giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Kim Đồng trong thời gian Người ở Pác Bó. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi Kim Đồng là người mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Người động viên Kim Đồng cùng các thành viên trong đội phải tiếp tục giúp đỡ, bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa văn hóa và chính trị để sau này khi có được độc lập sẽ góp phần xây dựng đất nước.
Năm 1943, Kim Đồng trong một lần làm nhiệm vụ liên lạc đã phát hiện đoàn kẻ thù phục kích. Anh liền ủy quyền cho Cao Sơn về báo tin cho cán bộ, còn mình đánh lạc hướng chúng. Cuối cùng anh bị địch phát hiện. Tiếng súng của chúng đánh động cán bộ gần đó, giúp họ kịp thời thoát lên núi. Nhưng khi đang chạy trốn, Kim Đồng bị trúng đạn rồi hi sinh anh dũng bên bờ suối Lê-nin. Anh ra đi vào ngày 15/2/1943, khi chỉ mới tròn 14 tuổi.
Sau này trên quê hương Nà Mạ của Kim Đồng, Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã được dựng lên. Ngày 15/5/1986, nhân Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đội, mộ và tượng của người anh hùng trẻ tuổi này đã được khánh thành. Trước bức tượng có 14 bậc đá, 14 cây lát, tượng trưng cho 14 mùa xuân của Kim Đồng năm xưa.
Để tưởng nhớ đến anh Kim Đồng, ngày nay, tên của anh được đặt cho nhiều địa danh trên cả nước. Trong đó, đặc biệt là con đường cửa ngõ vào thành phố Hà Nội, thuộc quận Hai Bà Trưng mang tên Kim Đồng.
Năm 1997, Kim Đồng đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau đó, vào năm 2011, Khu di tích mang tên anh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia.