Vị quốc sư duy nhất ở Việt Nam được tôn làm thánh: Được vua ban quốc tính, chữa bệnh hóa hổ cho vua
Sinh thời, vị cao tăng này được vua ban cho quốc tính, còn sở hữu chức danh pháp lý cao nhất của một thiền sư. Ông được mệnh danh là quốc sư danh y của Việt Nam.
Ở Việt Nam chỉ có 2 nhân vật lịch sử có thật được nhân dân suy tôn là thánh. Một người là Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Người còn lại là Đức Thánh Nguyễn – Thiền sư Nguyễn Minh Không.
Thiền sư Nguyễn Minh Không (1065 – 1141) là người rất được vua Lý Thần Tông trọng dụng. Ngài được vua ban cho quốc tính họ vua, lại được ghép với chức danh pháp lý cao nhất của một thiền sư: Lý Quốc Sư. Vào triều đại nhà Lý, thiền sư này đứng đầu tổ chức Phật giáo, sáng lập nên nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng, ông tổ nghề Đông y nước ta.
Nhờ có nhiều công lớn mà thiền sư Nguyễn Minh Không được nhân dân tôn sùng, thờ p hụng ở nhiều đền, đình, chùa theo kiểu tiền Phật hậu Thánh. Thậm chí còn có ghi chép xếp ông vào tứ bất tử của Việt Nam.
Khác với ghi chép lịch sử, theo truyền thuyết, thiền sư Nguyễn Minh Không là nhân vật huyền thoại, gắn với nhiều tình tiết hoang đường. Sau khi tu thiền đắc đạo, ông có thể đi mây về gió, niệm chú khiến chim rơi xuống đất, thuyền vượt sông, thu cả kho đồng nước Tống vào túi mang về nước. Đặc biệt, bấy giờ có truyền thuyết cho rằng sư Nguyễn Minh Không đã thò tay vào vạc dầu sôi để vớt hàng trăm chiếc kim, chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông.
Nhưng theo chính sử, năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi, ông mắc chứng bệnh lạ. Vua mọc lông lá đầy người, gào thét như hổ. Để giữ vua lại, triều đình đã làm cũi vàng nhốt vua lại. Tất cả các danh y đều bó tay không chữa nổi.
Bấy giờ, có đứa bé ở Chân Định cất tiếng hát: "Bổng bồng bông, tập tầm vông / Ở làng Điềm Xá, có Nguyễn Minh Không / Chữa được bệnh cho đức Thần Tông".
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Năm 1136, vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư; tha thuế dịch cho vài trăm hộ ban cho Minh Không".
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép rằng vua Lý Thần Tông "có tật chữa lâu không khỏi, sau nhờ nhà sư Minh Không chữa được".
Khi thiền sư Nguyễn Minh Không lên triều, ông to tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên làm thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Vua nghe xong im thin thít, không dám gào thét nữa.
Nói rồi, sư thấy vạc lớn đựng nước đun sôi trăm lần, dùng tay không tắm cho vua. Sau lần đó vua bỗng dần trở lại bình thường, ít lâu sau thì khỏi hẳn. Vua từ đó về sau thêm mến mộ tài năng của đại sư, đổi họ cho ông từ Nguyễn thành Lý, phong làm Quốc sư.
Dù vậy, Lý Quốc sư không màng đến danh vọng, ít lâu sau cũng trở về nơi cảnh thiền tĩnh tuệ để tu tập, trồng thuốc Nam trị bệnh cho dân. Năm 1121, thiền sư Nguyễn Minh Không về Đàm Xá dựng một ngôi chùa nhỏ, đặt tên là chùa Viên Quang (Viên Quang tự). Khi ông mất, người dân đã biến ngôi chùa thành đền thờ ông, gọi là đền thờ Đức Thánh Nguyễn. Ngôi đền này đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia vào 2/1989.