Khám phá mới

Nữ tình báo đầu tiên trong lực lượng công an: Đích thân Bác Hồ đào tạo, là nữ đoàn viên đầu tiên của VN

Nữ tình báo đầu tiên trong lực lượng công an: Đích thân Bác Hồ đào tạo, là nữ đoàn viên đầu tiên của VN

Cuộc đời nữ đoàn viên đầu tiên của Việt Nam trải qua rất nhiều bể dâu với cách mạng nước nhà. Bà là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đích thân Người đào tạo khi còn nhỏ.

Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức được thành lập. Năm đó có 8 thiếu niên được đưa đến Quảng Châu (Trung Quốc) để bồi dưỡng thành hạt nhân của tổ chức đoàn sau này. 8 người đó là: Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức, Nguyễn Thị Tích (Lý Phương Thuận), Ngô Trí Thông (Lý Trí Thông), Nguyễn Sinh Thản (Lý Nam Thanh), Vương Thúc Thoại (Lý Thúc Chất), Hoàng Tự (Lý Anh Tợ) và Đinh Chương Long (Lý Văn Minh). Tất cả họ đều còn rất trẻ, trong đó có Lý Phương Thuận là nữ đoàn viên đầu tiên của nước ta. Thân thế của người này như thế nào?

 

Lý Phương Thuận (SN 1916), tên thật là Nguyễn Thị Tích. Cô sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Từ khi mới 3 tháng tuổi, Lý Phương Thuận đã mồ côi mẹ. Cô sống cùng cha là ông Nguyễn Trọng Quyến, một người sớm giác ngộ cách mạng, từng tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp. Về sau, cụ Trọng Quyến tham gia năng nổ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931.

Ngôi nhà nhỏ của cụ Trọng Quyến năm xưa là nơi các chiến sĩ cách mạng tập trung để liên lạc, hoạt động bí mật. Sinh ra trong một gia đình như vậy, từ nhỏ Lý Phương Thuận đã có tinh thần yêu nước mãnh liệt.

ly-phuong-thuan-2
Nữ tình báo Lý Phương Thuận thời kỳ hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh tư liệu 

Năm 1924, ông Cố Khôn, bạn của ông Nguyễn Trọng Quyền đến nhà nhờ gửi thư cho gia đình. Lần đó, cô bé Lý Phương Thuận 8 tuổi cũng được cho đi theo Cố Khôn để sang Lào học chữ. Chính ông Khôn đã đặt tên mới cho cô bé là Hoàng Lệ Minh.

Năm 10 tuổi, Hoàng Lệ Minh được đưa sang Xiêm (Thái Lan), theo học trường Hoa Anh học hiệu ở Bangkok. Lớp học này do Bác Hồ sáng lập với các thành viên gồm: Lý Hữu Trọng (Lý Tự Trọng), Ngô Hậu Đức (Lý Phương Đức), Lê Quang Đạt, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Hoàng Lệ Minh với cái tên mới - Lý Tiểu Muội.

Học được 1 năm, cả lớp được Bác Hồ đón đến Quảng Châu, Trung Quốc, gửi vào học ở trường Trung Sơn tiểu học. Bấy giờ Lý Tiểu Muội lại có tên mới là Ngô Ứng Thuận. Về sau cô lấy tên Lý Phương Thuận, bí danh Lý Sâm, Lý Tâm hoặc Lê Thị Tâm.

Tốt nghiệp Trung Sơn tiểu học xong, Lý Phương Thuận được phân về hoạt động tại cơ quan bí mật của Chi bộ Hải ngoại của Đảng ta, do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Bấy giờ, nhiệm vụ của Lý Phương Thuận là chuyển tài liệu bí mật, giao liên dẫn đường và phiên dịch cho các đồng chí của Đảng.

ly-phuong-thuan-1
Lý Phương Thuận - một trong 8 đoàn viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Ảnh tư liệu

Sau này, Bác Hồ ra chỉ thị cho Lý Phương Thuận vào làm công nhân ở nhà máy Điện Kỳ (chuyên sản xuất pin đèn). Tại đây, cô vừa làm thợ, vừa hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ chính của Lý Phương Thuận là tuyên truyền, vận động cách mạng, phổ biến truyền đơn khẩu hiệu, kêu gọi công nhân chống áp bức, bóc lột…

Năm 18 tuổi, Lý Phương Thuận được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi đó, Bác Hồ có tên gọi khác là Lý Thụy và dùng bí danh Tống Văn Sơ. Trong bản lý lịch trích ngang của Lý Phương Thuận có dòng ghi cô là cháu gái của Tống Văn Sơ.

Ngày 6/6/1931, Lý Phương Thuận bị cảnh sát Hồng Kông bắt ở ngôi nhà 186 phố Tam Lung. Dù đã 18 tuổi nhưng Lý Phương Thuận khai chỉ mới 15 tuổi và là cháu gái của Tống Văn Sơ. Vì không có đủ bằng chứng buộc tuổi, cuối cùng Lý Phương Thuận được tha. Theo lời Bác, cô sau đó tìm cách sang Nhật để cư trú, rồi lại về Thượng Hải.

Cuối tháng 8/1945, Lý Phương Thuận về Việt Nam, gặp bà Tống Minh Phương. Trong ngôi nhà ở phố Hàng Buồm, cô nhìn thấy hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh treo dưới lá cờ đỏ sao vàng. Nhận ra đó chính là ông Tống Văn Sơ ngày nào, Lý Phương Thuận vui mừng khôn xiết.

ly-phuong-thuan-3
Bác Hồ với thanh niên Việt Nam. Ảnh tư liệu

Qua liên lạc, Bác Hồ và Lý Phương Thuận gặp lại được nhau sau 14 năm gián đoạn liên lạc. Ngay sau đó, Bác giao Lý Phương Thuận cho đồng chí Lê Giản – Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương với lời dặn dò: “Đây là cô Hoàng Lệ Minh/Lý Phương Thuận, người đã từng trải qua hoạt động bí mật, có nhiều kinh nghiệm. Cô ấy thạo tiếng Trung, Pháp và Anh. Chú đang rất cần những cán bộ như thế này tìm hiểu và đối phó với bọn Tưởng”.

Từ đó Lý Phương Thuận trở lại với cái tên Nguyễn Thị Tích, làm nhiệm vụ tình báo trong vỏ bọc tiếp viên ở khách sạn Thăng Long. Chị trở thành nữ tình báo viên đầu tiên thuộc lực lượng Công an, thu thập được rất nhiều tin tức quan trọng. Nổi bật trong quá trình hoạt động tình báo của Nguyễn Thị Tích có thể kể đến lần phát hiện âm mưu bắt cóc Bác Hồ của bọn Tưởng vào tháng 12/1945, ý đồ dùng bọn phản động Quốc dân đảng ở phố Ôn Như Hầu nhằm gây đảo chính của thực dân Pháp.