Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên: Bác Hồ trực tiếp giáo dục, 29 tuổi đã làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn
Người phụ nữ này được xem như nữ tiền bối của phong trào Cồng sản Việt Nam. Tên của bà được đặt cho nhiều địa danh ở nước ta, là tấm gương anh dũng cho tinh thần yêu nước.
Nghệ An tự hào là mảnh đất sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa cho đất nước. Một trong số những người phụ nữ nổi bật xuất thân từ Nghệ An chính là Nguyễn Thị Minh Khai. Bà không chỉ là người con ưu tú của mảnh đất đầy nắng gió này mà còn là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh (1910 – 1941), sinh ra trong một gia đình công chức nhỏ ở xã Vĩnh Yên, thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Năm 1919, Nguyễn Thị Minh Khai học chữ quốc ngữ ở trường Nguyễn Trường Tộ rồi chuyển sang Tiểu học Cao Xuân Dục. Bà là học trò của thầy giáo Trần Phú và giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Mới đầu, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia các phong trào đấu tranh ở quê hương, vận động nữ sinh bãi khóa, tổ chức lễ trụy điệu cho cụ Phan Châu Trinh…
Năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và phụ trách mảng tuyên truyền, huấn luyện đảng viên ở Trường Thi, Bến Thủy. Sau này bà được cử sang Hương Cảng và làm việc ở văn phòng chi nhánh Đông Dương bộ của Quốc tế Cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân giảng dạy cho Nguyễn Thị Minh Khai về giáo dục lý luận, chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng.
Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt giam tại Hương Cảng. Dù bị tra tấn dã man, bà vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, tuyệt đối không để lộ thông tin. 3 năm sau, người phụ nữ này được thả và được Đông Dương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow.
Năm 1934 còn là một năm đáng nhớ với Nguyễn Thị Minh Khai bởi việc gặp gỡ và kết hôn với anh hùng Lê Hồng Phong (sau này là Tổng Bí thư ĐCS Đông Dương) ở Thượng Hải. Họ đến với nhau bằng một bữa tiệc giản dị, ấm tình đồng chí.
3 năm sau khi kết hôn, Nguyễn Thị Minh Khai về Sài Gòn hoạt động và công tác tại Xứ ủy Nam kỳ. Khi 29 tuổi, bà được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là nhiệm vụ rất lớn lao, vô cùng quan trọng. Thế nhưng, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn hoàn thành xuất sắc, luôn được đồng đội, đồng chí tin yêu.
Năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt và tuyên án tử hình. Trong phiên tòa hôm đó, nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên vẫn ngẩng cao đầu, trìu mến dặn em gái: “Thôi, em về đi. Chị chết nhưng không ân hận, vì chị đã làm một việc có ích cho dân tộc, cho cách mạng”.
Bà Nguyễn Thị Minh Khai và chồng Lê Hồng Phong. Ảnh tư liệu
Trong thời gian chờ ra pháp trường, Nguyễn Thị Minh Khai không khỏi nhớ chồng, nhớ cha mẹ già. Bà tước vải áo nhà tù, lấy từng sợi mà đan gối gửi cho người nhà kèm theo lời chào vĩnh biệt.
Bấy giờ, Nguyễn Thị Minh Khai bí mật viết vào mảnh giấy cuốn tròn trong điếu thuốc lá gửi cho chồng đang ở nhà tù Côn Đảo. Bà giãi bày: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy”.
Kỷ vật của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Áo gối của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai thêu tặng mẹ và em gái thời gian ở trong tù năm 1940. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Và thế rồi, năm 31 tuổi, nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai qua đời. Bà ra đi nhưng bức tường xà lim nơi bị giam giữ vẫn để lại bài thơ nhắn nhủ:
“Vững chí bền gan, ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng vẫn chông gai”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, tôn vinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đưa bà vào bậc “tiên liệt” cách mạng. Lớp lớp thế hệ sau vẫn luôn tưởng nhớ đến công lao, đóng góp to lớn của nữ chiến sĩ này. Ngày nay, tên của bà Nguyễn Thị Minh Khai được nhiều tỉnh thành Việt Nam chọn để đặt cho đường phố, trường học.