Vị đại tá duy nhất được chọn đặt tên đường khi còn sống, được đưa vào sách giáo khoa ở Việt Nam
Tên của người anh hùng này được chọn đặt cho trường học và đường phố ở Việt Nam khi còn sống. Trong quá khứ, ông gắn với câu chuyện nổi tiếng khi dũng cảm ôm bộc phá, chặt cánh tay bị thương trên chiến trường.
Ở Việt Nam có nhiều anh hùng được lấy tên để đặt cho đường phố, địa danh. Nhưng người có vinh dự đó khi vẫn còn sống chỉ chỉ có 1. Ông là Đại tá La Văn Cầu (SN 1932), cái tên quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Đại tá La Văn Cầu quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Năm 3 tuổi, gia đình ông gặp biến cố lớn khi bố bị quân Pháp bắt đi làm phu xây dựng. Sau 3 tháng trở về, từ một người khỏe mạnh, cao to, ông chỉ còn da bọc xương. Không lâu sau, ông qua đời vì bị bệnh nặng.
Năm 16 tuổi, Đại tá La Văn Cầu nhập ngũ với quyết tâm “trả thù nhà, đền nợ nước”. Trong những lần ra quân, trận đánh đồn Đông Khê khiến ông nhớ nhất. Trước khi bước vào trận chiến, đích thân Bác Hồ đã gửi thư nhắn nhủ đây là trận quan trọng, phải thắng, không được thua, có thế mới mở màn cho chiến dịch biên giới được.
Anh em bộ đội khi đó vào trận với tâm thế quyết tâm vô cùng cao. Năm đó, giữa làn mưa đạn, Đại tá La Văn Cầu bị bắn trúng cánh tay và má phải, ngất xỉu. Khi tỉnh lại, ông sờ đến cánh tay phải thì thấy nó lủng lẳng.
“Tôi quay xuống, nửa đường thì gặp anh tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích đang tiến lên nên tôi bảo anh chặt hộ cánh tay cho tôi. Anh ngạc nhiên và bảo tôi quay xuống cho y tá băng bó nhưng tôi nhất định yêu cầu anh chặt tay cho tôi để tôi làm xong nhiệm vụ. Anh tiểu đội trưởng hiểu rồi lấy mác chặt cái tay bị thương đã gãy, sau đó xé áo băng vết thương lại”, anh hùng La Văn Cầu kể lại.
Sau khi xử lý cánh tay phải, đồng chí La Văn Cầu tiếp tục xông lên, đút được quả bộc phá nặng 12kg vào lỗ châu mai rồi giật nụ xòe, chạy ra xa. Trên thực tế, lúc đó ông cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện trở thành anh hùng, việc quyết định chặt tay cũng chỉ là vì Tổ quốc.
Sau này khi tổng kết chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu. Ông được vị Đại tướng gọi là “một trong những lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”.
Ngày 19/5/1952, ông La Văn Cầu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm đó, ông nhận danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc. 3 năm sau, người anh hùng này cùng mẹ được Bác Hồ mời đến ăn cơm cùng mình và các đồng chí Trung ương.
Anh hùng La Văn Cầu còn gây ấn tượng hơn khi trở thành người được đặt tên đường khi còn sống. Trong thời gian công tác ở Tổng cục Chính trị, một lần nọ ông được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) gọi đến, hỏi về việc UBND TP Hà Nội đề nghị Tổng cục Chính trị lấy tên anh hùng La Văn Cầu đặt cho một con đường hoặc một ngôi trường ở Hà Nội.
Nghe xong, Đại tá La Văn Cầu có chút băn khoăn, vừa vinh dự, cũng vừa lấn cấn. Ông trả lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Báo cáo anh, trước hết qua Tổng cục Chính trị cho em gửi lời cảm ơn nhân dân Thủ đô Hà Nội đã muốn chọn tên em đặt cho con đường, ngôi trường. Nhưng em nghĩ nên lấy tên của những đồng chí đã khuất thì hay hơn. Em còn sống và em cảm thấy mình chưa xứng đáng với tấm lòng đó của bà con. Hơn nữa, nếu có điều gì không phải với bà con thì em rất áy náy”.
Ít lâu sau, con đường mang tên anh hùng La Văn Cầu vẫn xuất hiện ở Thủ đô. Khi hỏi ông về chuyện này, người đại tá vẫn giữ nguyên quan điểm: “Có vinh dự đấy, nhưng tôi vẫn cho rằng không nên lấy tên tôi đặt đường, vì tôi thấy mình chưa xứng đáng”.
Tên của anh hùng La Văn Cầu được chọn đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam. Ảnh: Internet
Ngày nay, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương ở Việt Nam như TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, TP Nam Định, tỉnh Nam Định cũng có con đường hoặc địa danh mang tên anh hùng La Văn Cầu.
Cuộc đời của anh hùng La Văn Cầu được đưa vào sách giao khoa ở Việt Nam. Ông luôn là tấm gương sáng, lá cờ đầu để thế hệ sau noi gương.