‘Vị tướng tri thức’ lừng danh của QĐVN: Người duy nhất làm đám cưới trong hầm Đờ Cát, bất ngờ xuất thân
Vị tướng này được ưu ái gọi là “vị tướng trí thức”, là hình ảnh đúng chuẩn “con nhà người ta” khi xuất thân giàu có, lại học giỏi, tài năng. Ông còn gây chú ý khi là người duy nhất tổ chức đám cưới trong hầm của tướng Đờ Cát tại chiến trường Điện Biên năm xưa.
Quân đội Nhân dân Việt Nam có rất nhiều vị tướng tài giỏi, xuất thân là thầy giáo. Nhưng trong số đó chỉ có 2 người đến từ khoa Luật Đại học Đông Dương, đó là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Cao Văn Khánh. Họ là những người đồng chí, đồng đội sát cánh trong Tổng hành dinh. Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng tư lệnh thì Trung tướng Cao Văn Khánh chính là Phó Tổng tham mưu trưởng.
Trung tướng Cao Văn Khánh (1917 – 1980), quê ở Huế. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc tri thức của triều Nguyễn. Ông từng học bằng Cử nhân Luật ở Đại học Đông Dương như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau tham gia phong trào Hướng đạo Pháp và được tiếp xúc với những trí thức nổi tiếng như Tạ Quang Bửu, Phan Anh…
Khác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đam mê sử và làm thầy dạy sử ở trung học Thăng Long, Trung tướng Cao Văn Khánh lại đặc biệt thích toán và từng dạy toán tại trường trung học Phú Xuân (trường do anh trai ông mở). Sau này, tướng Khánh còn từng được mời dạy tú tài ở các trường: Providence Thuận Hóa, Lycéum Việt Anh cùng các giáo viên uy tín khác như Cao Xuân Huy, Thanh Tịnh, Hữu Ngọc…
Trong ký ức của các đồng nghiệp và học sinh của Trung tướng Cao Văn Khánh một thời, ông là người đặc biệt đúng giờ, không bao giờ đi muộn, không hút thuốc, không nói tục, luôn kẹp cuốn giáo án trong nách. Học sinh của ông nhiều đến nỗi đi đâu cũng gặp, kể cả dân sự lẫn quân đội.
Đâu chỉ học giỏi, tướng Cao Văn Khánh còn đúng chuẩn hình mẫu “con nhà người ta” khi sở hữu vẻ ngoài đẹp trai, nhiều tài lẻ như đánh đàn, bơi lội, đấm bốc… Ông Khánh ngày trẻ thường mặc âu phục, đi xe đạp thể thao. Ông đi đến đâu là được giới trẻ Huế trầm trồ ngưỡng mộ đến đấy.
Sau này gia nhập quân ngũ, tướng Cao Văn Khánh vẫn gắn với sự nghiệp dạy học. Đến khi hòa bình lập lại, ông lại làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Từ 1960 – 1964, vị tướng này làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, giữ nguyên tác phong làm giáo viên năm nào. Đến nỗi bấy giờ trong trường truyền tai nhau, chỉ cần nghe tiếng giày thủ trưởng là biết mấy giờ.
Nói đến Trung tướng Cao Văn Khánh, không thể không nhắc về chuyện tình của ông với vợ là Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. Họ là một cặp xứng đôi vừa lứa. Bà Toản vốn là con gái của cựu Thượng thư Bộ Hình triều đình Bảo Đại – Tôn Thất Đàn. Năm 16 tuổi, bà Toản tham gia hoạt động kháng chiến với vai trò y tá trong đội Giải phóng quân của tướng Khánh tại Huế. Sau khi Huế bị Pháp chiếm đóng, bà bị Pháp bắt đến 3 lần. Gia đình thấy vậy đành gửi bà lên chiến khu Việt Bắc để tránh nguy hiểm.
Cặp đôi này có cơ duyên gặp lại nhau vào 8 năm sau ở chiến trường Tây Bắc. Khi đó bà Toản đã là sinh viên y khoa. Chính Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ và ông Lê Quang Đạo đã mai mối cho hai người yêu nhau. Sau một thời gian yêu đương, họ kết hôn ngay sau chiến thắng Điện Biên. Bấy giờ ông Khánh 37 tuổi, bà Toản mới 24 tuổi.
Đám cưới Điện Biên của họ nổi tiếng đến tận bây giờ, khi được tổ chức ngay trong hầm của tướng Đờ Cát. Trung tướng Trần Nam Trung là người đứng ra làm chủ hon cho họ. Bức ảnh cưới của hai vợ chồng được chụp ngay trên tháp pháo chiếc xe tăng Pháp bị bắn cháy ở cánh đồng Mường Thanh. Nói cách khác, đó là một đám cưới độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Trung tướng Cao Văn Khánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Toản sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, bà Toản đã thực hiện được nguyện vọng trở lại Điện Biên Phủ để thăm nơi tổ chức đám cưới của mình 70 năm trước. Cô gái 24 tuổi năm nào nay đã là một bà cụ tóc bạc trắng, ngồi xe lăn mới có thể đi lại thuận tiện. Dù vậy, cảm xúc thì vẫn dạt dào như xưa, vô cùng xúc động và bồi hồi.