Dũng tướng Việt Nam được ví ngang Triệu Vân của Tam Quốc, là chiến binh vĩ đại bậc nhất nước ta
Nếu Triệu Vân là mãnh tướng hàng đầu Tam Quốc, uy danh ngàn đời thì ở Việt Nam trước đây cũng từng có nhân vật được ví chẳng hề thua kém gì.
Trong lịch sử Trung Hoa, Triệu Vân (Triệu Tử Long) chính là một trong những danh tướng hàng đầu. Ở thời kỳ Tam Quốc, người này được nhận xét trên cơ Quan Vũ, chưa bao giờ bại thân khi đấu đối kháng, lại có thể một mình địch cả vạn người. Tên tuổi của Triệu Vân vang danh đến tận ngày nay, rất được sùng bái ở nước bạn.
Còn ở Việt Nam, có một vị mãnh tướng cũng từng được so sánh thực lực không thua gì Triệu Vân. Đó chính là tướng Nguyễn Quang Huy của nhà Tây Sơn. Tướng sĩ đương thời đặt cho ông biệt danh là “Triệu Tử Long của quân Tây Sơn” vì quá ngưỡng mộ tài năng.
Sinh thời, Nguyễn Quang Huy sánh vai cùng vua Quang Trung xông pha nhiều trận chiến và lập hàng loạt công lao lớn. Vợ ông cũng không phải người thường khi có tài bắn cung bách phát bách trúng. Sau này, gia đình tướng Nguyễn Quang Huy đã góp công giúp Trần Quang Diệu chiếm lại Quy Nhơn.
Vài năm đầu dưới thời Quang Toản, ông cùng Đô đốc Nguyễn Văn Lộc vẫn tiếp tục cống hiến, lập nhiều chiến công. Trong đó, việc tổ chức đánh bại tướng Võ Tánh – vị tướng nổi tiếng của Nguyễn Ánh đã được chép vào sử sách.
Tuy nhiên, đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Quang Huy đưa cả gia đình về núi Dương An trú ẩn, thỉnh thoảng về Phú Yên để thăm quê và ra Kỳ Sơn thăm Nguyễn Văn Lộc.
Trong một lần trò chuyện, được Nguyễn Văn Lộc hỏi về việc hợp sức phục hưng nhà Tây Sơn, Nguyễn Quang Huy đáp: “Những anh hùng nghĩa sĩ ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn phận, như thế là tận trung. Nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng ta tận trung với ai? Bầy tôi của vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền Bắc, hết lớp này đến lớp khác đã chẳng lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước”.
Lời nói của tướng Nguyễn Quang Huy đã khiến Đô đốc Nguyễn Văn Lộc suy nghĩ lại, quyết định không ôm mộng phục hưng nhà Tây Sơn nữa.