Thế giới

Tiết lộ sốc về đề xuất khoáng sản Mỹ yêu cầu Ukraine, Kiev bức xúc gọi đây là ‘hành động cướp bóc’

Nói về đề xuất khoáng sản mới của Mỹ, 3 quan chức cấp cao Ukraine cho rằng Kiev sẽ không ký. Một người trong đó gọi đây là “hành động cướp bóc”, người khác lại nhận xét nó “không công bằng”.

Theo Financial Times (FT), Mỹ đang gây áp lực buộc Ukraine ký một thỏa thuận đầy tham vọng, theo đó Washington sẽ kiểm soát toàn bộ nguồn khoáng sản và tài sản năng lượng của Ukraine. Đáng chú ý, Mỹ không đưa ra bất kỳ cam kết nào về đảm bảo an ninh cho Kiev.

Dự thảo thỏa thuận mới mà Mỹ gửi cho Ukraine có phạm vi rộng hơn đáng kể so với thỏa thuận kinh tế chung mà hai bên đã đàm phán trước đó. Đề xuất này là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt xung đột Ukraine - Nga và thu hồi hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự đã cung cấp cho Kiev.

my-ukraine-thoa-thuan-khoang-san-1
Thỏa thuận khoáng sản mới sẽ buộc Ukraine trao toàn bộ tài nguyên và doanh thu cho Mỹ. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao Ukraine cảnh báo rằng thỏa thuận này có thể làm suy yếu chủ quyền quốc gia, khiến lợi nhuận từ tài nguyên chảy ra nước ngoài và làm gia tăng sự phụ thuộc vào Washington.

Theo dự thảo, Mỹ sẽ có quyền kiểm soát không chỉ khoáng sản mà còn cả dầu khí và tài sản năng lượng trên khắp Ukraine. Washington đề xuất thành lập một hội đồng giám sát để quản lý quỹ đầu tư chung, với mục tiêu phân chia doanh thu từ khai thác tài nguyên giữa hai nước. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chỉ định 3/5 thành viên hội đồng, đồng nghĩa với việc Washington nắm quyền phủ quyết mọi quyết định liên quan đến quỹ này.

Đáng chú ý, Mỹ tuyên bố khoản viện trợ mà họ đã cấp cho Ukraine kể từ năm 2022 sẽ được coi là một phần "đóng góp" vào quan hệ đối tác này.

my-ukraine-thoa-thuan-khoang-san-2
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Nói về đề xuất của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố với Fox News rằng thỏa thuận có thể được ký kết ngay trong tuần tới. Tuy nhiên, ba quan chức cấp cao Ukraine nói với FT rằng điều này khó xảy ra. Một người gọi đề xuất của Mỹ là "không công bằng", trong khi một người khác thẳng thắn mô tả đây là "hành động cướp bóc". Kiev đã mời nhóm cố vấn pháp lý vào cuộc để phân tích thỏa thuận và chuẩn bị phản hồi chính thức.

Sự phản đối của Ukraine diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Trump gia tăng áp lực, buộc Kiev phải nhượng bộ để đạt được lệnh ngừng bắn. Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ sự thất vọng vì Mỹ liên tục thay đổi điều khoản thỏa thuận. Tuy nhiên, ông khẳng định Kiev không muốn tạo ấn tượng rằng họ hoàn toàn phản đối đề xuất này.

Dự thảo mới thay thế thỏa thuận trước đó về hợp tác khai thác tài nguyên khoáng sản, vốn được hai bên thống nhất vào tháng trước nhưng chưa ký kết.

my-ukraine-thoa-thuan-khoang-san-3
Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine vẫn chưa đi đến kết quả cụ thể. Nguồn: inventure

Trong đề xuất mới, Mỹ mở rộng kiểm soát sang cơ sở hạ tầng khai thác tài nguyên, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường ống, cảng biển và nhà máy chế biến. Đặc biệt, toàn bộ doanh thu từ khai thác tài nguyên sẽ được quy đổi sang ngoại tệ và chuyển ra khỏi Ukraine. Nếu có tranh chấp hoặc chậm trễ, Kiev phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Mỹ cũng sẽ nhận "phí ưu tiên" 4%, nghĩa là trước khi lợi nhuận được chia cho Ukraine, Washington sẽ thu về khoản này. Ngoài ra, Mỹ có quyền phủ quyết đối với việc bán tài nguyên của Ukraine cho bên thứ ba.

Mặc dù đề xuất mới không đề cập đến quyền sở hữu cơ sở hạ tầng hạt nhân của Ukraine nhưng một số quan chức Kiev lo ngại vấn đề này có thể xuất hiện trong các vòng đàm phán tiếp theo. Trước đó, chính quyền Trump từng đề cập đến việc kiểm soát hạ tầng hạt nhân của Ukraine nhưng sau đó đã loại bỏ khỏi dự thảo.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thỏa thuận. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Washington cam kết nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận này để đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine và Nga.