Đời sống

3 nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam đều mang hàm Thiếu tướng, 1 người từng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong giới văn chương Việt Nam có 3 người rất đặc biệt là nhà văn Dũng Hà, Hồ Phương và Văn Phác. Họ là những nhà văn quân đội, mang trên mình cấp hàm thiếu tướng.

Nhà văn Văn Phác

Nhà văn Văn Phác, tên thật là Trần Văn Phác, còn có các bút danh Trương Nam Hương và Tám Trần. Ông sinh năm 1926 tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Khi vừa bước sang tuổi 19, ông đã tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp, trực tiếp có mặt trong đội quân bảo vệ sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" tại Quảng trường Ba Đình.

Năm 1949, sau khi hoàn thành khóa học tại trường Nguyễn Ái Quốc, Nhà văn Văn Phác được điều về giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Sông Lô, tham gia giải phóng khu vực Cao Bắc Lạng. Đến năm 1954, ông thuộc biên chế Sư đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng lịch sử, Nhà văn Văn Phác trở về tiếp quản Thủ đô và đảm nhận vị trí Chủ nhiệm đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đồng thời giữ chức Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân.

nha-van-mang-ham-thieu-tuong-1
Nhà văn, Thiếu tướng Văn Phác thời trẻ và sau này. Ảnh tư liệu

Là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, Nhà văn Văn Phác gắn bó với nghiệp viết suốt gần 60 năm. Với bút danh Trần Hương Nam, ông để lại dấu ấn với tác phẩm Không còn con đường nào khác, khắc họa cuộc đời nữ tướng Nguyễn Thị Định trong kháng chiến chống Mỹ.

Trên cương vị một lãnh đạo quân đội, ông từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phong hàm Thiếu tướng. Sau này, ông chuyển sang lĩnh vực văn hóa, lần lượt đảm nhận các chức vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1987-1990). Trong thời gian này, ông đã khơi nguồn cho việc phục hồi các lễ hội văn hóa, coi đây như một di sản quý giá của dân tộc. Đồng thời, ông cũng chú trọng nâng tầm công tác công nhận di tích lịch sử với những tấm Bằng công nhận di tích được thiết kế trang trọng, mang đậm phong cách cổ truyền.

Nhà văn Văn Phác từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI, đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa VIII (1986-1990). Với tư cách là Chủ nhiệm đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957-1963), ông đã chăm lo, dìu dắt nhiều thế hệ nhà văn, trong đó có những tên tuổi lớn như Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Xuân Thiều – những người sau này đều được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Dũng Hà

Nhà văn Dũng Hà, tên thật là Phạm Điệng, còn có bút danh Thái Linh, sinh năm 1929 tại xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông gia nhập quân đội khi mới 17 tuổi, từng đảm nhiệm vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp chỉ huy đơn vị tấn công đồi A1 và tham gia áp giải tù binh Pháp về Thanh Hóa.

Trải nghiệm này được nhà văn Dũng Hà tái hiện qua truyện ngắn Cây số 42, một tác phẩm xuất sắc sau đó đã được chuyển thể thành phim. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở lại Điện Biên Phủ tham gia các hoạt động kinh tế, thời kỳ này được ông khắc họa trong tiểu thuyết Mảnh đất yêu thương.

nha-van-mang-ham-thieu-tuong-2
Nhà văn, Thiếu tướng Dũng Hà. Ảnh tư liệu

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được điều động sang lực lượng Hải quan. Đến năm 1967, khi Binh chủng Đặc công được thành lập, nhà văn Dũng Hà được giao nhiệm vụ phụ trách công tác chính trị, sau này giữ chức Chủ nhiệm Chính trị của Binh chủng, trực tiếp tham gia lãnh đạo lực lượng đặc công chiến đấu tại chiến trường miền Trung. Trong thời gian này, ông cho ra mắt tiểu thuyết Sao Mai (1973).

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà văn Dũng Hà lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Ký sự lịch sử quân sự, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1982). Trong thời gian này, ông được phong hàm Thiếu tướng.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Gió bấc, Sao Mai, Mảnh đất yêu thương, Đường dài, Quãng đời xưa in bóng, Cây số 42, Phận gái, Sông cạn…

Nhà thơ Hồng Thanh Quang từng nhận xét về nhà văn Dũng Hà: "Bên trong vẻ ngoài có phần khô khan ấy là một trái tim rất nhạy cảm, rộng lượng và giàu lòng trắc ẩn. Ông thẳng thắn, bộc trực, luôn nhìn nhận mọi thứ rõ ràng và rành mạch, đôi khi còn có chút hồn nhiên khi đối diện với những phức tạp của cuộc sống và nghề viết".

Nhà văn Hồ Phương

Nhà văn Hồ Phương, tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Tháng 12/1946, ông tham gia lực lượng tự vệ Thủ đô, rồi gia nhập quân đội, trở thành một trong những "Chiến sĩ Quyết tử" trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông vừa là chiến sĩ, vừa làm phóng viên và cán bộ phụ trách báo chí của Sư đoàn 308. Sau đó, Nhà văn Hồ Phương quay trở lại đơn vị chiến đấu, giữ chức Chính trị viên Đại đội, tham gia các chiến dịch Biên Giới (1950) và Điện Biên Phủ (1954).

Năm 1954, nhà văn Hồ Phương được điều về Tổng cục Chính trị, làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đảm nhận vai trò phóng viên chiến trường, nhiều lần vào chiến trường B để ghi lại cuộc chiến qua trang viết. Năm 1990, nhà văn Hồ Phương được thăng quân hàm Thiếu tướng, từng giữ chức Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau này là Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Ông cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.

nha-van-mang-ham-thieu-tuong-3
Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương. Ảnh tư liệu

Nhà văn Hồ Phương bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 17 tuổi, để lại nhiều tác phẩm xuất sắc như Thư nhà (1948), Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ, Lá cờ chuẩn đỏ thắm, Cỏ non, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Phía tây mặt trận, Ông trùm… Truyện ngắn Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy trong nhiều năm.

Về tiểu thuyết, nhà văn Hồ Phương có những tác phẩm nổi bật như Những tiếng súng đầu tiên, Kan Lịch, Những tầm cao, Biển gọi, Cánh đồng phía Tây, Những cánh rừng lá đỏ, Cha và con…

Năm 2001, nhà văn Hồ Phương được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm Cỏ non, Những tầm cao, Kan Lịch, Cánh đồng phía Tây. Năm 2012, ông tiếp tục nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với Ngàn dâu và Những cánh rừng lá đỏ.