Khám phá mới

Việt Nam thuộc triều đại nào thời ‘Thiên Long bát bộ’? Vị tướng nào của ta lúc đó khiến TQ ớn lạnh khi nghe tên?

“Thiên Long bát bộ” lấy bối cảnh vào triều đại nào của Trung Quốc? Thời kỳ đó, Việt Nam đang thuộc triều đại nào? Những câu hỏi này đều sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

“Thiên Long bát bộ” của Kim Dung là tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà còn có sức ảnh hưởng lan rộng đến Việt Nam. Cho đến nay, những nhân vật trong “Thiên Long bát bộ” như Đoàn Dự, Tiêu Phong, Hư Trúc, hay các môn phái như Thiếu Lâm tự, Cái Bang, Tiêu Dao phái… vẫn vô cùng quen thuộc với người Việt.

“Thiên Long bát bộ” kể về mối quan hệ nhân – quả giữa các nhân vật trong tiểu thuyết, cùng với đó là chuyện về gia đình, xã hội, đất nước. Bối cảnh của “Thiên Long bát bộ” là vào thời Bắc Tống (960 – 1127).

thien-long-bat-bo-1
Bát bộ ở đây là chỉ 8 loại quỷ thần: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu, La Già. Ảnh tinhhoa.net
thien-long-bat-bo-2
Tạo hình nhân vật trong phim Thiên Long Bát Bộ 2003. Ảnh: Internet

Lúc bấy giờ Việt Nam cũng có nhiều biến động về chính trị. Nước ta đã trải qua đến 4 vương triều. Cụ thể: Nhà Ngô (939–965), nhà Đinh (968–980), nhà Tiền Lê (980–1009), nhà Lý (1009–1225).

Dù vậy, lần nào quân xâm lược phương Bắc ở Mông Cổ, Trung Hoa mang quân sang gây hấn, nước ta đều đẩy lùi. Nổi bật có thể kể đến việc Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt 2 lần đánh tan quân nhà Tống (năm 981 và 1076).

Lý Thường Kiệt có lẽ là cái tên gây ám ảnh nhất với nhà Tống khi đó. Ông là thiên tài quân sự, nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc của Việt Nam. Sử cũ chép lại, Lý Thường Kiệt không chỉ có tướng mạo đẹp mà tài năng còn hơn người.

ly-thuong-kiet-2
Lý Thường Kiệt là nhân vật kiệt xuất dưới thời nhà Lý. Tranh minh họa: Tranh truyện lịch sử Việt Nam, NXB Kim Đồng

Năm 1072, Lý Nhân Tông nối ngôi Lý Thánh Tông khi chỉ mới 7 tuổi. Thái úy Lý Thường Kiệt khi đó đã đứng sau phò trợ ông xử lý chính sự. Trước sự dòm ngó của quân địch phương Bắc, năm 1073, Lý Thường Kiệt mạnh dạn đề xuất: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc”.

Và thế rồi 10 vạn quân Đại Việt đã đánh thẳng vào đất Tống, tàn phá 10 căn cứ quân sự của nhà Tống. Ý đồ xâm lược của quân Tống chưa kịp thực hiện đã bị dập tắt.

Sau này bình luận về trận đánh Tống có một không hai này, sử gia Ngô Thì Sĩ viết: “Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ”.

Đến khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt cũng lường trước quân Tống sẽ kéo sang trả thù. Bởi vậy mà ông cho đắp phòng tuyến dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt, có rào giậu kiên cố, kéo dài hơn 200 dặm từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu.

ly-thuong-kiet-1
Tranh minh họa Lý Thường Kiệt và bài thơ thần Nam quốc sơn hà. Ảnh: Internet

Không lâu sau, cuối năm 1076, quân Tống vượt biên giới tràn vào Đại Việt. Trận đó quân ta chống trả quyết liệt, làm nên chiến thắng sông Như Nguyệt lừng lẫy, khiến địch phải tháo chạy hoặc đầu hàng.

Cũng trong trận chiến Như Nguyệt năm đó, bài thơ “Nam quốc sơn hà” xuất hiện. Người đời sau đưa ra giả thuyết Lý Thường Kiệt chính là tác giả của bài thơ này, gia tăng nhuệ khí cho quân ta, khiến nhà Tống run rẩy sợ hãi.

Ngàn đời sau, Lý Thường Kiệt vẫn luôn được đánh giá là bậc anh hùng có công lớn với đất nước, góp công lớn trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” năm nào cũng được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.