Vị tướng duy nhất của Việt Nam được ví ngang hàng với võ thánh Quan Vũ, tên được đặt cho nhiều con đường
Với nhiều người, tên tuổi của vị tướng này có lẽ vẫn còn khá lạ lẫm. Nhưng nhiều sử gia đánh giá ông là người trung dũng, uy phong chẳng thua gì võ thánh Quan Vũ của Trung Quốc.
Quan Vũ là vị tướng không còn xa lạ gì với người Việt Nam. Xuất thân từ thời Tam Quốc ở Trung Hoa, nhưng sức ảnh hưởng của nhân vật này là vô cùng mạnh mẽ đến các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Sinh thời, Quan Vũ là nhân vật đứng đầu trong ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán, anh em kết nghĩa với Lưu Bị. Trong văn hóa Trung Quốc, Quan Vũ được phong làm võ thánh, sánh ngang với văn thánh là Khổng Tử.
Tranh minh họa Quan Vũ. Ảnh: Internet
Ở Việt Nam cũng có một vị tướng được ví tài năng và uy dũng không thua gì Quan Vũ. Ông là danh tướng dưới thời Nguyễn Ánh: Nguyễn Huỳnh Đức. Sử chép rằng, năm 1783, quân của Nguyễn Phúc Ánh bị quân nhà Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh cho tan tác. Bấy giờ Nguyễn Ánh phải theo đường rừng mà chạy. Trong khi quân sĩ gần như chạy hết, chỉ có duy nhất Huỳnh Tường Đức quay lại cứu Nguyễn Ánh.
Giữa khu rừng tối đen như mực, Huỳnh Tường Đức lớn tiếng thách quân Tây Sơn đến bắt mình. Tiếng của ông vang vọng núi rừng, khiến quân Tây Sơn nghi có mai phục nên rút lui. Cũng nhờ việc đó mà Nguyễn Ánh thành công thoát chết. Đêm ấy, Nguyễn Ánh gối đầu lên đùi Huỳnh Tường Đức ngủ mê man, còn vị tướng này thức trắng đêm đuổi muỗi cho chúa.
Sau sự việc lần ấy, Nguyễn Ánh phong cho Huỳnh Tường Đức quốc tính, được xem như người ở trong hoàng tộc. Cái tên Nguyễn Huỳnh Đức cũng ra đời từ đó.
Tranh thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Ảnh: Internet
Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819) cùng với những Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn là ngũ hổ tướng của Nguyễn Ánh. Ông người đất Kiến Hưng, tỉnh Định Trường xưa. Trong “Đại Nam liệt truyện” miêu tả vị tướng này có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh hơn người. Với lòng trung nghĩa hiếm có, Nguyễn Huỳnh Đức được ví như Quan Công của nước Nam lúc bấy giờ.
Năm xưa Quan Công thua trận tại Hạ Phì đành phải quy hàng để bảo vệ hai chị dâu, nhưng ông có một điều kiện là “chỉ hàng Hán, không hàng Tào”. Đến Tào Tháo cũng phải dành sự tôn kính nhất định cho vị tướng này, phong tước hầu, ban thưởng cho ông nhiều vàng bạc. Thế nhưng, khi hay tin Lưu Bị muốn trung hưng Hán thất, Quan Vũ đã lập tức treo ấn gói vàng, vượt năm ải, chém 6 tướng để trở về bên Lưu Bị.
Chân dung Nguyễn Huỳnh Đức. Ảnh: Internet
Trong khi đó, Nguyễn Huỳnh Đức cũng trải qua một sự việc tương tự. Chuyện kể rằng vị tướng này từng bại trận trước quân Tây Sơn ở Đông Tuyên. Ông cùng 500 thuộc hạ bị bắt. Tuy nhiên Nguyễn Huỳnh Đức chỉ chịu cho Nguyễn Huệ thu dụng mình với lời hứa “đánh Trịnh chứ không đánh Nguyễn”.
Cuốn “Đại Nam chính biên liệt truyện” có chép chuyện này như sau: “Huệ thấy Đức khỏe mạnh, ý cũng muốn thu dùng, còn Đức thì cũng muốn trốn về nhưng lại chưa thể, nên trong lòng thường phẫn uất. Một đêm, trong trại quân của Huệ, đang lúc mơ ngủ, Đức quát mắng Huệ rất to. Tướng của Huệ giận, muốn nhân đó đem giết đi, nhưng Huệ cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội, lại còn cho nhiều châu ngọc, ý muốn tỏ sự hậu đãi để lôi kéo nhưng Đức vẫn không vui”.
Bàn thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại khu đền mộ ở Tân An. Ảnh: Internet
Sau này, Nguyễn Huỳnh Đức theo Quang Trung ra Bắc Hà phá Trịnh. Ông lập nhiều công lao nên được phong làm phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ. Nhưng mục đích chính của vị tướng này là muốn lợi dụng Nguyễn Văn Duệ để về phe Nguyễn Nhạc, sau đó tìm cách trốn sang Van Tượng, rồi đến Xiêm La lần theo tin tức của Nguyễn Ánh.
“Đại Nam chính biên liệt truyện” kể về chuyện đó như sau: “Người Man nghe tin liền cấp cho Đức lương khô, nhờ đó, Đức mới về được đến Xiêm La, nhưng khi đến Xiêm La thì Vua đã về Gia Định. Vua Xiêm La muốn giữ lại, Đức thề là thà chết chớ không chịu, nhân đó lại kể nỗi gian nan đi tìm chủ, khiến khí uất ngùn ngụt bốc lên mà thổ ra một hòn máu. Vua Xiêm La thấy không thể ép buộc được, cũng trọng mà cấp thuyền cho về”.
Về sau Nguyễn Ánh lấy lại được cơ đồ, lên làm hoàng đế, lấy hiệu Gia Long. Nguyễn Huỳnh Đức nhờ có công lớn phò tá vua nên được phong làm quận công, Tổng trấn Bắc thành và sau đó là Tổng trấn Gia Định thành. Ông là người hiếm hoi được vua giao cho chức vụ cao ngay khi lập quốc. Người sau đánh giá phải là một nhân vật có uy tín, tài năng và lòng trung thành mới được giao trọng trách như vậy.
Bia mộ của Nguyễn Huỳnh Đức. Ảnh: Internet
Sau khi Nguyễn Huỳnh Đức qua đời, Nguyễn Ánh tiếc thương vô hạn. Bá quan văn võ được lệnh mặc đồ trắng đưa tang, các quan tỉnh để tang ba ngày. Vua Minh Mạng sau này đã đưa vị danh tướng vào thờ ở tự ái miếu Trung hưng công thần, tòng tự ở Thái Miếu.
Nguyễn Huỳnh Đức xét về trung nghĩa chẳng khác gì võ thánh Quan Công, xét về uy dũng không thua Trương Phi. Dân gian vẫn lưu truyền câu nói nổi tiếng về Nguyễn Huỳnh Đức: “Phương bắc, Lưu Bị có Quan Công/ Phương nam, Nguyễn Ánh có Huỳnh Đức”.
Ngày nay, tên của tướng Nguyễn Huỳnh Đức được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam, có thể kể đến như Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long. Trước năm 1985, ở TP.HCM có đến 2 con đường mang tên vị võ tướng này. Hiện tại đường Nguyễn Huỳnh Đức của Đô thành Sài Gòn cũ là đường Trần Tuấn Khải (quận 5), còn đường Nguyễn Huỳnh Đức ở tỉnh Gia Định cũ nay là đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận).