Khám phá mới

Vị tướng duy nhất được Bác Hồ đặt lại tên để không kiêu căng, là tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không– Không quân

Vị tướng duy nhất được Bác Hồ đặt lại tên để không kiêu căng, là tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không– Không quân

Nhận xét về vị tướng này, cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều cho rằng ông là người có tài, có chí khí. Bác chỉ đắn đo một chuyện: “Tính chú nóng và liều quá. Người làm tướng mà nóng và liều thường hỏng việc”.

Trong dàn tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, Thượng tướng Phùng Thế Tài là nhân vật đặc biệt nổi bật. Ông sớm giác ngộ cách mạng, vào Đảng sớm và đi theo Bác Hồ từ những ngày đầu. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Phùng Thế Tài luôn góp mặt ở tuyến đầu, nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng và luôn hoàn thành xuất sắc. Cuộc đời ông là minh chứng tiêu biểu cho lớp cán bộ, chiến sĩ mẫu mực, từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu.

thuong-tuong-phung-the-tai-7
Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ (1920 – 2014). Ông sinh ra ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Lớn lên trong gia đình khó khăn, từ nhỏ cậu bé Thụ đã lưu lạc sang Vân Nam -Trung Quốc mưu sinh. Khi chỉ mới 13 tuổi ông đã đi làm giúp việc, về sau lưu lạc lên Côn Minh và tình cờ gặp được đồng chí Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải). Năm 1936, đồng chí Phùng Thế Tài được vận động và tham gia tổ chức cách mạng ở đây. 3 năm sau thì đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chính thức trở về. Người bảo vệ Bác lúc đó chính là đồng chí Phùng Thế Tài. Trên thực tế, trước đó khi còn ở Côn Minh, đồng chí Tài đã là người kề cận bảo vệ Bác.

thuong-tuong-phung-the-tai-2
Ảnh tư liệu

Năm 1945, đồng chí Phùng Thế Tài lần đầu được đi chiến đấu trực tiếp. Ông làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Giải phóng quân Thất Khê. 2 năm sau ông được điều về mặt trận Hà Nội làm Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 37. Liên tiếp sau đó là những vị trí, vai trò mới. Dù ở cương vị nào, đồng chí Phùng Thế Tài cũng hoàn thành tốt.

thuong-tuong-phung-the-tai-3
Ảnh tư liệu

Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Phùng Thế Tài không thể không kể đến cột mốc năm 1963. Khi đó Bác Hồ chỉ thị thành lập Quân chủng Phòng không – Không quân trên cơ sở hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân. Đồng chí Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng này đến năm 1967.

Năm 1986, đồng chí Phùng Thế Tài được phong quân hàm Thượng tướng. Ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam suốt 20 năm cho đến khi về hưu vào năm 1987.

thuong-tuong-phung-the-tai-4
Ảnh tư liệu

Lại nói về cái tên Phùng Thế Tài. Trước đây khi được đòng chí bảo vệ, Bác nhận thấy đây là một thành niên trung kiên, mẫn cán, khỏe mạnh, vừa giỏi võ vừa giỏi tiếng Hoa. Bác liền đổi tên cho anh từ Phùng Hữu Thụ sang Phùng Hữu Tài (gặp người có tài). Nhưng về sau sợ anh Tài kiêu căng, Bác lại đổi tên cho anh thành Phùng Thế Tài.

thuong-tuong-phung-the-tai-5
Ảnh tư liệu

Nói về vị tướng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời đi theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến. Thượng tướng Thế Tài là một Đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của quân đội ta”.

thuong-tuong-phung-the-tai-1Thượng tướng Phùng Thế Tài trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thượng tướng Phùng Thế Tài trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phùng Thế Tài không chỉ là một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mẫu mực, mà còn là một người học trò giỏi, gần gũi với Bác Hồ. Trong cuốn Hồi ức “Bác Hồ - Những kỷ niệm không quên”, vị thượng tướng này dành sự trân quý đặc biệt cho Bác: “Bác Hồ đã từng bước dẫn dắt tôi, từ một đứa trẻ lang thang, thất học, tính tình ngổ ngáo, trở thành một sĩ quan cấp tướng của cách mạng, có đóng góp ít nhiều vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây thực sự là điều kỳ diệu mà đôi khi tôi cứ nghĩ có nằm mơ cũng không thể tượng tưởng nổi”.

Theo Báo QĐND