Thân thế người duy nhất ở Việt Nam làm thầy của 6 vị tướng lẫy lừng lịch sử, 3 lần được gặp Bác Hồ
Không chỉ là người thầy của 6 vị tướng quân đội nổi tiếng Việt Nam, người đàn ông này còn có vinh dự 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nằm ở đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng có một ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ. Nhiều người không biết, đây chính là nhà của Đại tá Doãn Mậu Hòe (1934 – 2023), nguyên Hiệu trưởng trường Văn hóa Quân khu V, Hiệu phó trường Quân sự Quân khu V. Đặc biệt, ông chính là thầy của 6 vị tướng nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, Trung tướng Lê Quang Đạo và Trung tướng Phạm Kiệt.
Đại tá Hòe quê ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 17 tuổi ông đã xung phong thoát ly đi chiến đấu. Sau những năm chinh chiến, ông về công tác ở Trung đoàn 108, thuộc Sư đoàn 305. Năm 1958, thầy Hòe công tác ở Tổng cục chính trị. Ông học thêm lớp bồi dưỡng giáo viên giảng dạy ở trường Nguyễn Văn Trỗi, Bộ Quốc phòng, trường Văn hóa Quân khu 5 và trường Quân sự Quân khu 5. Sau khi lấy bằng loại giỏi, ông chuyên dạy Vật lý, Hóa học cho cán bộ của cơ quan Tổng cục chính trị các lớp tại chức cấp II, III.
Năm ấy, trong số gần 40 giáo viên, thầy Hòe được chọn để dạy văn hóa cho 6 vị tướng của quân đội là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo,Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt.
Nhớ lại thời khắc đó, thầy Hòe vẫn không quên được mình đã run thế nào. Năm ấy ông vẫn chỉ là một thượng úy 25 tuổi, còn “học trò” của ông là những vị tướng tên tuổi lẫy lừng. Làm sao “người thầy trẻ” này có thể bình tĩnh dạy học cho chính thủ trưởng của mình?
Chia sẻ với báo chí sau này, thầy Hòe kể lại, buổi học đầu tiên diễn ra ở nhà riêng Thiếu tướng Phạm Kiệt ở Lý Nam Đế, Hà Nội. Cả 6 vị tướng đều xuất hiện. Mới đầu, thầy Hòe lúng túng: “Mời sáu thủ trưởng mở sách vở chép bài, chúng ta bắt đầu buổi học”. Nghe xong cả 6 người đều bật cười.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thấy vậy liền lên tiếng: “Theo tôi, khi vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là anh. Còn chúng tôi gọi giáo viên là thầy. Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí”.
Đại tá Doãn Mậu Hoè - thầy giáo của 6 vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Dân Trí
Trong trí nhớ của Đại tá Doãn Mậu Hòe, mỗi người học trò của ông đều có một đức tính riêng, nhưng điểm chung là đều rất kiên trì, ham học hỏi. Họ luôn cố gắng làm bài đầy đủ dù bận trăm công nghìn việc.
Riêng Thiếu tướng Phạm Kiệt, sau quá trình tham gia cách mạng, bị tù đày, đánh đập nên trí nhớ của ông bị ảnh hưởng nhiều. Có khi thầy dạy chương trình lớp 3, lớp 4 nhưng ông học trước, quên sau. Hễ khi suy nghĩ căng thẳng, vị tướng này lại căng thẳng, đầu đau như búa bổ.
“Trong một lần kiểm tra bài cũ, anh Kiệt chỉ nhớ được mang máng nên tôi phải nhắc khéo, gợi mở. Khi trả lời hoàn chỉnh câu hỏi bài tập, anh ấy đã bật khóc òa, chạy đến ôm chầm lấy tôi và nói: 'Thầy thông cảm, tôi mừng quá, vì lâu nay cứ sợ cái đầu không còn học được nữa…’”, thầy Hòe kể lại.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì được thầy nhận xét là người thông minh, khoa học nhất. Vị tướng này giỏi đều các môn khoa học và giỏi tiếng Pháp. Người thầy này tiết lộ: “Những lần đi công tác xa, công việc ngập đầu nhưng anh Thanh vẫn dẫn tôi theo để tranh thủ học, không bỏ lỡ giữa chừng. Các bài tập tôi ra về nhà làm, anh đều hoàn thành một cách xuất sắc. Có lần đi kiểm tra một đơn vị quân đội về muộn, hai thầy trò bày bàn học ngay giữa thao trường, học đến gần nửa đêm mới quay về trại. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã hoàn thành các chương trình hóa, lý cấp 3”.
Về Trung tướng Lê Quang Đạo, thầy Hòe ấn tượng nhờ biệt tài chế tạo mô hình mạch điện: “Tôi thường lấy mạch điện do anh Đạo lắp ráp, sáng chế để truyền dạy cho học sinh khác”.
Khóa học của 6 vị tướng kết thúc vào năm 1965. Sau khi không còn giảng dạy cho các thủ trưởng, thầy Hòe lại được phân công làm chủ nhiệm, trực tiếp dạy cho con trai của tướng Hoàng Văn Thái là Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Quốc Trinh.
Sau này cứ vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, 6 vị tướng lại tổ chức ăn uống và mời người thầy trẻ này đến dự. Món quà họ tặng thầy khi thì là chiếc khăn mặt, kem đánh răng, lúc là hộp xà bông.
Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, Đại tá Doãn Mậu Hòe đã dạy không biết bao nhiêu thế hệ học sinh, có cả những người cũng trở thành sĩ quan cao cấp. Nhưng với thầy giáo Hòe, ký ức về 6 người học trò năm xưa vẫn luôn rõ nét và sâu sắc nhất.
Thêm một điều đặc biệt về thầy Hòe, trong thời gian công tác, học tập ở miền Bắc, thầy đã từng vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên là khi Người thăm Đại học Sư phạm Hà Nội (1958). Lần thứ hai là khi Bác đến nói chuyện với các cán bộ Trung, cao cấp ở Tổng cục chính trị (1962). Lần thứ ba là khi Chủ tịch Hồ CHí Minh đến một đơn vị văn công thăm các diễn viên gần khu Cầu Giấy (1964).
Lời Bác dạy năm nào mãi về sau thầy giáo Hòe vẫn luôn khắc ghi: “Có ba hạng người luôn được mang ơn và kính trọng. Một là các thầy-cô giáo dạy con em mình học, hai là thầy thuốc chữa bệnh cho con em mình và nhân dân, thứ ba là người cho mình mượn tiền gạo lúc khó khăn túng thiếu! Ba hạng người đó đều được tôn vinh!. Hôm nay các cháu đang là sinh viên, ngày mai là giáo viên, là người “Kỹ sư” tâm hồn. Vì thế, đã là người thầy là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thầy dạy phải hơn trò về chữ và nghĩa, biết thương yêu học sinh, phải biết yêu người, yêu nghề, thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Khi ra trường các cô, chú phải quan hệ thật tốt với xã hội”.