Khám phá mới

Vị tướng duy nhất đề nghị tướng Giáp xem lại kế hoạch trận Điện Biên Phủ, được Bác tặng cho 3 kỷ vật vô giá

Vị tướng duy nhất đề nghị tướng Giáp xem lại kế hoạch trận Điện Biên Phủ, được Bác tặng cho 3 kỷ vật vô giá

Ông là một vị tướng rất đặc biệt trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng là người học trò gần gũi của Bác Hồ. Trong trận Điện Biên Phủ, đây là người duy nhất đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh.

Ngày 26/11/1954, một cuộc họp Đảng ủy Mặt trận đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập ở Điện Biên Phủ. Lúc bấy giờ, tướng Giáp vô cùng trăn trở việc có nên đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” hay không. 3 trong 4 người của Đảng ủy giữ ý kiến đánh nhanh, chỉ có duy nhất 1 người đề nghị ông nên xem xét lại kế hoạch. Người đó chính là Trung tướng Phạm Kiệt.

trung-tuong-pham-kiet-3
Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội khóa III, IV. Tư lệnh CANDVT (1961-1968). Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT (1968-1975). Ảnh tư liệu

Sau này, nói về tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Lúc bấy giờ toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày 2 đêm. Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”.

Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.

Ý kiến “vàng”, góp phần làm nên lịch sử dân tộc, nhưng tướng Kiệt tuyệt nhiên chẳng đả động gì nó. Nếu tướng Giáp không công khai chuyện này, có lẽ sẽ chẳng ai biết được.

trung-tuong-pham-kiet-8
Tướng Phạm Kiệt và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Trung tướng Phạm Kiệt là cái tên nổi bật trong dàn tướng lĩnh của Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ 1945 – 1975. Ông tên thật là Phạm Quang Khanh (1910 – 1975), quê ở làng An Phú, nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Trung tướng Công an nhân dân Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Dấu ấn của tướng Phạm Kiệt không chỉ có ở Chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn trong rất nhiều chiến trường, sự kiện khác. Ông chính là đội trưởng đầu tiên của đội du kích Ba Tơ, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ, là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi.

Trước khi trở thành Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Phạm Kiệt từng trải qua rất nhiều vị trí, công tác ở nhiều mặt trận. Dù ở vai trò nào, điểm nổi bật của tướng Kiệt là người có một nhân cách lớn, tính cách khiêm tốn, trung thực và sống rất tình nghĩa, đặt Tổ quốc lên trên tất cả.

trung-tuong-pham-kiet-2
Trung tướng Phạm Kiệt (giữa) nghe Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng 34 (Hải Phòng) báo cáo phương án tác chiến. Ảnh tư liệu

Sinh thời, Trung tướng Phạm Kiệt còn là người học trò gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất được người tin yêu. Bác Hồ đã tặng cho ông 3 bảo vật vì có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điên Biên Phủ 1954. Đó là 2 khẩu súng: Khẩu Cacbin số hiệu 585440, khẩu súng lục hiệu mô-de số 707271 và chiếc radio tướng Đờ Cát dùng khi ở Điện Biên Phủ. Tất cả đều đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Con trai tướng Phạm Kiệt – Đại tá Phạm Hùng tiết lộ, những ngày tháng Bác ở chiến khu, người cận vệ Phạm Kiệt luôn theo sát Người. Đến khi Bác về thăm quê, cũng là cận vệ Phạm Kiệt đưa Người đi. Mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Biên phòng), tướng Kiệt chắc chắn sẽ phải có mặt trong hàng quân danh dự chào đón. Ngay cả giây phút trước khi ra đi, Bác cũng nắm chặt tay tướng Kiệt để dặn dò.

trung-tuong-pham-kiet-4
Chiếc đài Bác Hồ tặng Tướng Phạm Kiệt. Ảnh tư liệu
trung-tuong-pham-kiet-6
Trung tướng Phạm Kiệt đứng phía sau Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Ngày 23/1/1975, Trung tướng Phạm Kiệt trút hơi thở cuối cùng. Ông được an táng ở Hà Nội. Trái tim của một người anh hùng huyền thoại đã ngừng đập, nhưng nhân cách cao đẹp, công lao của ông thì vẫn sống mãi. Trung tướng Phạm Kiệt được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh ngay trong ngày ông qua đời và truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25/7/2012.