Khám phá mới

Vị vua cướp ngôi của cháu ngoại, lập triều đại ngắn nhất lịch sử Việt Nam, cuối đời bị bắt sang Trung Quốc

Vị vua cướp ngôi của cháu ngoại, lập triều đại ngắn nhất lịch sử Việt Nam, cuối đời bị bắt sang Trung Quốc

Các sử gia xưa xem vị vua này là kẻ phản nghịch khi cướp ngôi nhà Trần. Nhưng sử gia hiện đại lại cho rằng ông là nhà cải cách, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước qua cải cách.

Cho đến hiện tại, nếu hỏi ai là vị vua gây nhiều tranh cãi nhất, chắc chắn Hồ Quý Ly sẽ là một trong những cái tên được nhớ đến. Hồ Quý Ly (1335 – 1407), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Ông vốn là một vị quan trong triều Trần, được vua Trần Nghệ Tông trọng dụng. Thời bấy giờ, quyền lực của Hồ Quý Ly trong triều rất lớn, thậm chí còn thao túng cả bá quan văn võ, có thể xúi vua giết những ai không theo phe cánh của mình.

ho-quy-ly-2

Năm 1392, Nghệ Hoàng mất, tham vọng chiếm ngôi vua của Hồ Quý Ly ngày càng cao. Ông ép vua Trần Thuận Tông (con rể Hồ Quý Ly) đi tu rồi sai người thủ tiêu. Trần Thiếu Đế được đưa lên ngai vàng sau đó ít lâu, khi chỉ mới 2 tuổi. Nhưng chỉ 2 năm sau, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi của chính cháu ngoại mình.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, lúc bấy giờ bá quan văn võ đã dâng sớ khuyên Hồ Quý Ly lên ngôi. Ông vờ từ chối: “Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào mà trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa?”. Thế nhưng không lâu sau Hồ Quý Ly đã tự lập mình làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên. Trần Thiếu Đế bị Hồ Quý Ly phế xuống làm Bảo Ninh Đại Vương, không nỡ giết vì cũng là cháu ngoại của ông.

ho-quy-ly-1

Nhà Hồ chính thức được thành lập vào tháng 2/1400. Nhưng đến tháng 12 cùng năm thì Hồ Quý Ly quyết định nhường ngôi cho con trai là Hồ Hán Thương rồi lên làm Thái thượng hoàng. Như vậy thời gian tại vị của Hồ Quý Ly chỉ chưa đầy 1 năm. Quyết định khó hiểu này khiến người đời sau vẫn luôn hoài nghi.

Dù lui về làm Thái thượng hoàng, Hồ Quý Ly vẫn là người đứng sau quyết định mọi vấn đề trọng đại của đất nước. Ông thi hành loạt cải cách về chính trị, hành chính, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, tài chính…

Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến việc Hồ Quý Ly ban hành lệnh tiêu tiền giấy vào năm 1396. Mỗi loại tiền sẽ được vẽ một hình riêng, nếu phát hiện có kẻ làm giả tiền sẽ xử tử. Bên cạnh đó là thu lại toàn bộ tiền đồng, nếu không nộp cũng sẽ bị chém.

Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn đưa chữ Nôm vào văn hóa, đời sống người Việt. Ông đã dịch các kinh, thư, thi từ chữ Hán ra chữ Nôm, làm sách “Quốc ngữ thi nghĩa”, “Minh đạo” (cuốn phê bình triết học đầu tiên của Việt Nam). Động thái này nhằm chấn hưng nền văn hóa của dân tộc ta.

ho-quy-ly-3

Tuy là người có tầm nhìn, nhưng Hồ Quý Ly lại không có khả năng đoàn kết, không thuận lòng dân, cũng chẳng được những vị tướng giỏi phò trợ. Kết quả là nhà Hồ không thể chống đỡ được giặc ngoại xâm phương Bắc. Tháng 11/1407, cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, triều đại nhà Hồ cũng chính thức sụp đổ. Như vậy triều đại này chỉ tồn tại trong 7 năm, là triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Các sử gia xưa kia xem Hồ Quý Ly là kẻ nghịch thần khi cướp ngôi nhà Trần. Thế nhưng, sử gia hiện đại thì nhìn nhận ông đã có nhiều đóng góp, cải cách vượt thời đại cho đất nước thời kỳ đó. Không chỉ là vị vua lập nên nhà Hồ, Hồ Quý Ly còn được xem là một nhà cải cách, nhà chính trị của dân tộc.