Đại tướng quân đội duy nhất người Hưng Yên: 23 tuổi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, là tướng trăm tuổi duy nhất còn sống
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là vị Đại tướng trăm tuổi duy nhất của Việt Nam còn sống. Ông được đánh giá là vị tướng đức độ, cả cuộc đời vì nước, vì dân.
Quân đội nhân dân Việt Nam hiện có 16 Đại tướng. Trong đó, chỉ có duy nhất 1 vị tướng trăm tuổi còn sống. Ông cũng là vị tướng duy nhất trong số 16 người đến từ vùng đất Hưng Yên. Người được nhắc đến ở đây chính là Đại tướng Nguyễn Quyết (SN 1922, quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), tên thật Nguyễn Tiến Văn, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Nguyễn Quyết có sự nghiệp vô cùng rực rỡ, trải qua nhiều cương vị cho đến khi thôi công tác ở tuổi 70. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ 20, đây là vị tướng ghi dấu ấn, đóng góp quan trọng cho hầu hết các giai đoạn đặc biệt.
Ngay từ bé đồng chí Nguyễn Quyết đã được đánh giá là một người thông minh, điềm đạm, chăm chỉ. Năm 15 tuổi, cậu bé Nguyễn Quyết khi đó đã dám rời quê để lên Hà Nội lập nghiệp. Công việc đầu tiên của ông là làm thư ký kiêm phát hành báo cho Báo Đuốc Tuệ, của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ, có trụ sở tại chùa Quán Sứ. Đây cũng là cơ hội để tướng Quyết được gặp gỡ và tiếp xúc nhiều tầng lớp khác nhau rồi dần giác ngộ.
Sau một thời gian hoạt động cách mạng, năm 1940, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 18 tuổi. Tính đến nay, Đại tướng đã có 85 năm tuổi Đảng. Ngày 19/1/2024, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã dự và chủ trì lễ trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng cho Đại tướng Nguyễn Quyết.
Sự kiện năm 1940 đó như một cột mốc, khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Nguyễn Quyết về sau. Chỉ 3 năm, vào tháng 8/1943, đồng chí Nguyễn Quyết được chỉ định tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và công tác công vận (vận động công nhân). Đến tháng 3/1945, ông trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thủ đô.
Tháng 8/1945 lịch sử đó, Đại tướng Nguyễn Quyết chính là người đã ra quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ, không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về.
Quyết định nghe có vẻ liều lĩnh, táo bạo, nhưng thật ra là vô cùng sáng suốt. Sau này nói về thời điểm đó, Đại tướng Nguyễn Quyết khẳng định: “Nếu để tuột thời cơ ngàn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi quân Đồng minh đến Hà Nội”.
Sau khởi nghĩa ngày 19/8/1945 đó, Hà Nội giành được chiến thắng rực rỡ, đặc biệt còn không đổ máu. Chiến thắng đó trở thành nguồn cổ vũ lớn lao cho các tỉnh thành khác lúc bấy giờ. Tổng Bí thư Trường Chinh thì đánh giá cuộc khởi nghĩa đó như “mở đường cho Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước”. Năm ấy, Đại tướng Nguyễn Quyết mới chỉ mới 23 tuổi!
Nói đến những quyết định sáng tạo, quyết đoán của tướng Quyết, còn phải kể về lần ông cùng Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức cho người dân Hải Phòng sơ tán triệt để trước khi Mỹ đánh phá vào năm 1972. Nhờ chỉ thị lần đó mà chúng ta đã hạn chế được mức thiệt hại thấp nhất có thể.
Chiến tranh đã lùi xa, Đại tướng Nguyễn Quyết cũng đã về hưu mấy chục năm. Thế nhưng dấu ấn của ông vẫn luôn còn đó. Ở tuổi 102, vị tướng già này vẫn rất minh mẫn. Các cán bộ, lãnh đạo nhà nước thường đến thăm và trò chuyện với ông. Tính đến hiện tại, Đại tướng Nguyễn Quyết không chỉ là Đại tướng trăm tuổi duy nhất còn sống mà còn là Nguyên Phó Chủ tịch nước lớn tuổi nhất lịch sử Việt Nam.