Vị tướng được Bác Hồ đổi tên để bảo vệ an toàn: Là một trong những tướng lĩnh đầu tiên, ‘ông vua vũ khí’ của Việt Nam
Trong đợt phong tướng đầu tiên của quân đội ta năm xưa, ông được đích thân Bác Hồ phong hàm thiếu tướng. Cho đến khi nghỉ hưu, qua đời, vị tướng này vẫn cống hiến đến cùng, giữ quân hàm thiếu tướng đó.
Trong số hàng nghìn thanh niên Việt Nam đi du học ở Pháp thời chiến, chỉ có người đàn ông này nghiên cứu chế tạo vũ khí. Đơn giản vì ông biết nước mình còn thiếu nhà khoa học về lĩnh vực đó. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải gọi ông là “ông Phật làm súng”, người dân thì ghi nhận những đóng góp lớn lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của ông. Người được nói đến là Trần Đại Nghĩa.
Khi nói đến Trần Đại Nghĩa, có rất nhiều chức danh, học vị gắn liền với tên tuổi ông. Ông là giáo sư, viện sĩ, kỹ sư quân sự, nhà bác học, đồng thời cũng là một Anh hùng Lao động, Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vị tướng này chính là người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Trần Đại Nghĩa có tên thật là Phạm Quang Lễ (1913 – 1997). Ông quê ở xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1935, ông lên đường sang Pháp du học và gây ấn tượng bởi tố chất thông minh, năng lực vượt trội của mình. Đến 1946, ông được gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minhh. Cũng sau lần tiếp xúc đó, Phạm Quang Lễ quyết định cùng một số trí thức Việt kiều Pháp theo Bác về nước phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngay hôm về nước, Phạm Quang Lễ đã được Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đón lên Thái Nguyên thử đạn Bazooka. Không lâu sau, Bác giao cho ông nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Cũng trong lần đó, Phạm Quang Lễ xin được bác đặt cho tên khác. Cái tên Trần Đại Nghĩa ra đời từ đó. Bác nói: “Làm cách mạng là phải chấp nhận gian khổ, bởi thế Bác mới đặt tên cho chú là Đại Nghĩa. Còn Trần là dòng họ anh hùng của nước ta, đã ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Cái tên hoàn toàn khác lạ này còn để bảo vệ an toàn cho chú và gia đình chú trong quê”.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa (đứng giữa đeo kính) thời kỳ học ở Pháp. Ảnh tư liệu
2 năm sau khi về nước, vào ngày 28/5/1948, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm thiếu tướng, là một trong 11 tướng lĩnh đầu tiên của quân đội ta. Ông còn được tặng Huân chương Quân công hạng Ba cũng trong dịp đó. Đến năm 1952, vị giáo sư, thiếu tướng này còn được phong danh hiệu Anh hùng lao động, là một trong ba anh hùng lao động đầu tiên của Việt Nam.
Là một nhân vật kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa vẫn sống rất giản dị, chịu khó, chịu khổ. Ông chưa bao giờ phàn nàn về bữa ăn, giấc ngủ hay điều kiện sống.
Có một mẩu chuyện nhỏ về Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, đủ để thấy ông sống đơn giản, không câu nệ như thế nào. Khi các cán bộ quân đội mới bắt đầu được hưởng lương, một tháng ông được nhận sáu trăm đồng và được chi tiêu như sau: 180 đồng nộp tiền ăn, 20 đồng mua xà phòng, 360 đồng mua thuốc lá (hai tút), còn lại 40 đồng để tiêu vặt (thường dùng mua chuối, bánh ăn thêm cho đỡ đói).
Thậm chí ngày ông kết hôn với nữ y tá Nguyễn Thị Khánh ở chiến khu Bắc Kạn, ông cũng chỉ có hơn 40 chục đồng để mua lê mời anh em. Bữa ấy, mỗi người phải góp thêm năm đồng để nhờ người nấu một bữa cơm liên hoan.
Cả cuộc đời giáo sư Trần Đại Nghĩa dành trọn cho khoa học. Ông yêu khoa học đến mức lơ đễnh trong cuộc sống đời thường. Ấy thế nhưng gia đình, bạn bè, chiến hữu đều chẳng ai trách móc mà xem đó là nét “đời” nhất trong một con người phi thường.