Vị tướng đánh trận giỏi nhất lịch sử hiện đại Việt Nam: Là thiên tài quân sự hàng đầu, 70 tuổi mới làm Đại tướng
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét về vị tướng này rằng ông xứng đáng “hai lần Anh hùng”. Ông là vị Đại tướng lớn tuổi nhất của quân đội Việt Nam vào thời điểm thụ phong: 70 tuổi. Đồng thời, ông cũng được đánh giá là tướng đánh trận giỏi nhất lịch sử hiện đại nước ta.
Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều vị tướng tài giỏi nổi tiếng trong lẫn ngoài nước. Nhưng có một người được mệnh danh là tướng giỏi đánh trận nhất lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, sau đó là chiến tranh biên giới Tây Nam. Cuộc đời binh nghiệp của vị tướng này có thể dùng hai từ “lẫy lừng” để mô tả. Ông chính là Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914 – 1986), nguyên: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Trong chiến tranh, vị tướng này được đánh giá là người có khả năng xoay chuyển cục diện trân đánh và biệt tài “đánh trăm trận trăm thắng”.
Có lẽ vì tài năng quân sự đỉnh cao đó mà tướng Lê Trọng Tấn được các chiến sĩ quân đội gọi là “Zukov Việt Nam”. Trong khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì nhận định: “Anh Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần Anh hùng!”. Tài giỏi như thế nhưng có thể nhiều người không biết, tướng Lê Trọng Tấn là vị Đại tướng Việt Nam lớn tuổi nhất vào thời điểm thụ phong: 70 tuổi.
Đại tướng Lê Trọng Tấn có nhiều trận đánh lớn. Trong đó 2 lần nổi trội nhất là khi ông lãnh đạo đơn vị bắt sống tướng địch. Lần đầu tiên là ở Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Khi đó, tướng Lê Trọng Tấn chỉ đạo Đại đoàn 312 lập nên nhiều chiến công vang dội như tiêu diệt cứ điểm Him Lam, bắt sống tướng De Castries. Lần thứ hai là trong Chiến dịch giải phóng miền Nam 1975. Khi ấy ông đã thành lập và chỉ huy cánh quân phía Đông – những người đầu tiên nổ súng, tiến vào Dinh Độc Lập và bắt tướng Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ.
Cũng phải nói thêm, năm xưa sau khi bại trận bởi tướng Lê Trọng Tấn, De Castries đã phải thừa nhận rằng bản thân thấy “tự hào khi được làm bại tướng dưới tay Lê Trọng Tấn và đại đoàn của ông”.
Tướng Lê Trọng Tấn nghiên cứu tình hình chiến trường miền Nam (năm 1965). Ảnh tư liệu
Không chỉ là vị tướng trận mạc anh dũng, Đại tướng Lê Trọng Tấn còn hội tụ đủ Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung. Ông thương đồng đội, đặc biệt là các chiến sĩ bộ đội, nên mỗi lần ra quân đều suy tính kỹ càng, cân nhắc phương án cẩn thận để tránh thương vong. Vị tướng này không chấp nhận câu “thiệt hại không đáng kể”. Bởi với ông, sự hi sinh nào cũng như nhau, không có khái niệm “không đáng kể”. Sau khi hòa bình lập lại, tuổi cao sức yếu nhưng tướng Lê Trọng Tấn vẫn thường xuyên đến thăm chiến trường xưa, nơi các đồng đội, đồng chí ngã xuống.
Cuộc đời vẻ vang như vậy, sự nghiệp rực rỡ là thế, nhưng đặc biệt là tướng Lê Trọng Tấn chưa bao giờ có nhà riêng. Ông sống vô cùng giản dị, không đòi hỏi gì. Sau năm 1975, vị tướng này từ chối ở những căn biệt thự sang trọng, nhưng anh em nói mãi, sắp xếp mãi ông mới chịu chuyển đến căn nhà số 2 đường Cửu Long, 2 phòng, diện tích khoảng 30m2.
Thấy Đại tướng sống như vậy, mọi người lại nghĩ cách chuyển chỗ ở cho ông về biệt thự 195 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dù không hài lòng nhưng tướng Lê Trọng Tấn lại không nỡ trách móc ai, đành ở tạm. Ít lâu sau ông lấy cớ tạo điều kiện để chăm sóc thương bệnh binh, nhường căn biệt thự cho vị Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố lúc bấy giờ, còn mình chuyển về số 2 đường Cửu Long.
Một thời gian sau, anh em lại tìm cách “bắt” ông về ở biệt thự 126 Pasteur. Đại tướng chiều lòng mọi người về ở một thời gian, sau lại kiên quyết trở lại số 2 Cửu Long. Đến đây thì mọi người đành chịu thua và để ông sống yên ổn ở căn nhà đó. Cho đến khi qua đời, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn ở ngôi nhà này, không sửa chữa, thêm bớt gì. Về sau nó trở thành một quán cà phê mà chính con trai ông cũng không hay biết.