Khám phá mới

Thân thế vị đại tướng giữ vị trí Tổng Tham mưu trưởng lâu nhất: Tên được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam

Thân thế vị đại tướng giữ vị trí Tổng Tham mưu trưởng lâu nhất: Tên được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam

Khi nói về vị danh tướng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ: “Ông là một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Trong lịch sử dân tộc, người được ghi nhận giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam lâu nhất là Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ông giữ chức này từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1978, chỉ gián đoạn 1 thời gian ngắn vào năm 1954. Ngoài ra, Đại tướng còn là Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Geneve về Đông Dương.

dai-tuong-van-tien-dung-1
 Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu

Nhắc đến Đại tướng Văn Tiến Dũng là nhắc đến dấu ấn đậm nét qua những lần chỉ đạo trực tiếp nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971), Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975). Vị Đại tướng này từng 3 lần bị địch bắt, tra tấn và giam ở Nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La. Nhưng dù rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm ra sao, ông vẫn giữ một lòng kiên trung với đất nước và Đảng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng sinh ngày 2/5/1917 ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Bí danh của ông là Lê Hoài. Từ nhỏ, đồng chí đã mồ côi cha mẹ, trải qua rất nhiều khổ cực, chứng kiến cảnh lầm than của đồng bào, tội ác của thực dân, đế quốc và tay sai. Vì vậy ông sớm giác ngộ, đi theo con đường của Đảng.

dai-tuong-van-tien-dung-2
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 

Năm 1936, Đại tướng Văn Tiến Dũng tham gia phong trào đấu tranh của công nhân và tham gia tổ chức cuộc bãi công của công nhân dệt Hà Nội. Chỉ 2 năm sau ông đã được giao giữ chức Bí thư Chi bộ ngành thợ dệt Hà Nội.

Năm 1941, đồng chí Văn Tiến Dũng trốn thoát được khi bị địch áp giải từ nhà tù Sơn La về Hà Nội. 2 năm sau, ông bắt được liên lạc với Đảng, tham gia hoạt động và được chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông, Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 4/1944, đồng chí Văn Tiến Dũng được giao giữ vị trí Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. 1 năm sau ông là Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách việc tổ chức và giữ chức vụ Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung. Tháng 8/1945, đồng chí chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

dai-tuong-van-tien-dung-4
Đại tướng Văn Tiến Dũng (tháng 7-1954). Ảnh: tư liệu/flickriver.com

Từ tháng 11-1945 đến 1946,  đồng chí là Ủy viên Quân ủy Trung ương, chỉ đạo chiến đấu chống Pháp ở khu “Nam Tiến” và khu vực từ Vân Nam (Trung Quốc) đến Sầm Nưa (Lào), chỉ huy lực lượng tiến công vào Lai Châu, Sơn La. Ông là Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam – Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam từ tháng 2-1947 đến 10-1949.

Năm 1948, đồng chí Văn Tiến Dũng được phong quân hàm Thiếu tướng. Từ tháng 10-1949, ông là Chính ủy Liên khu 3. Năm 1951-1953,  đồng chí là Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) hoạt động trong vùng địch kiểm soát ở đồng bằng Bắc Bộ.

dai-tuong-van-tien-dung-3
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng (phải). Ảnh tư liệu 

Từ tháng 11-1953, ông giữ chức Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tháng 7-1954, ông là Trưởng đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam tại Hội nghị Trung Giã (từ 27-7-1954 chuyển thành Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương), và tiếp tục giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng đến tháng 5-1978.

Đặc biệt, đồng chí Văn Tiến Dũng được thăng vượt cấp quân hàm Thượng tướng năm 1959, Đại tướng năm 1974.

dai-tuong-van-tien-dung-5
Đại tướng Văn Tiến Dũng và phu nhân Nguyễn Thị Kỳ năm 1955. Ảnh tư liệu

Sau này đất nước thống nhất, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1980 – 1986. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng các huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Quân công (hạng Nhất, Nhì) và nhiều huân, huy chương cao quý khác; Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do hạng Nhất, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angkor. Để tưởng nhớ công lao của vị Đại tướng này, tên của ông đã được đặt cho một số đường phố tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sơn La.

Theo Báo QĐND