Khám phá mới

Thân thế vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng CAND vũ trang: Là vị tướng đức độ, tài năng, 17 tuổi được vào Đảng

Thân thế vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng CAND vũ trang: Là vị tướng đức độ, tài năng, 17 tuổi được vào Đảng

Sinh thời, vị tướng này được đánh giá là người có đức độ và tài năng, hết lòng vì nước, vì dân. Khi nói về ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trân trọng viết: “Với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thủy chung”.

Vùng đất Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) luôn tự hào khi là quê hương của đồng chí Phan Trọng Tuệ (1917 – 1991), vị tướng nổi tiếng tài năng của Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình giàu lòng yêu nước. Cha đồng chí là cụ Phan Trọng Định, nghệ nhân nức tiếng một vùng. Gia đình cụ từng có thời gian chuyển sang Lào mưu sinh, nhưng vẫn mãi hướng về quê hương Việt Nam.

Cụ Phan Trọng Định có 4 người con thì cả 4 đều là đảng viên, trong đó, 2 người từng làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây là Phan Trọng Tuệ và Phan Trọng Quang. Lớn lên trong một gia đình như vậy, từ nhỏ đồng chí Phan Trọng Tuệ đã giác ngộ và tham gia cách mạng năm 13 tuổi. Năm 17 tuổi ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương.

thieu-tuong-phan-trong-tue-3
Đồng chí Phan Trọng Tuệ. Ảnh: Bộ Công an

Sau lần lãnh đạo cuộc mít tinh của sinh viên, học sinh ở Viêng Chăn phản đối thực dân Pháp, đồng chí Phan Trọng Tuệ bị bắt giam 4 tháng. Cả gia đình ông trở thành “mối nguy” trong mắt thực dân Pháp và bị trục xuất về Sài Sơn để quản thúc.

Về lại quê hương, đồng chí Phan Trọng Tuệ cùng các đồng chí đã hoạt động cách mạng ngay tại địa phương. Đến năm 1940, ông làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Sơn Tây. 1 năm sau đồng chí trở thành Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư liên Tỉnh ủy gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam. Cuối năm 1941, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác binh vận.

thieu-tuong-phan-trong-tue-1
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh CAND vũ trang thăm lực lượng CAND vũ trang tỉnh Hà Đông cũ năm 1959. Ảnh tư liệu

Năm 1943, đồng chí Phan Trọng Tuệ bị Pháp bắt giam tại Hỏa Lò rồi kết án 27 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Ông vẫn không từ bỏ việc hoạt động cách mạng, trở thành Chi ủy viên Khối Hà Nội – Sơn La. 2 năm sau, đồng chí cùng các cựu tù chính trị Côn Đảo được phân công đi miền Nam, miền Trung lãnh đạo kháng chiến. Riêng ông được phân ở lại Tây Nam Bộ thành lập Quân đội, trên cương vị Thanh tra kháng chiến tại tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Liên tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ.

Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Trọng Tuệ cũng như những người đồng chí, đồng đội khác của ông, rất gian khổ, vất vả. Thế nhưng ông không bao giờ từ bỏ, vẫn giữ khí tiết của người cộng sản. Bất kể là nhiệm vụ khó khăn ra sao, đồng chí vẫn hoàn thành xuất sắc.

thieu-tuong-phan-trong-tue-4
Đồng chí Phan Trọng Tuệ (khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT) kiểm tra cầu đường sắt qua sông Trà Khúc năm 1977. Ảnh tư liệu

Sau này đồng chí Phan Trọng Tuệ còn làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất và xây dựng đất nước. Khi làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông đã giúp ngành này phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu khôi phục, xây dựng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

thieu-tuong-phan-trong-tue-5
Gia đình ông Phan Trọng Tuệ chụp năm 1966 (Từ trái sang phải: Phan Vi Linh (con),ông Phan Trọng Tuệ, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (vợ), Phan Thị Gia Liên (con)). Ảnh tư liệu

Trong xuyên suốt sự nghiệp của đồng chí Phan Trọng Tuệ, không thể không kể đến cột mốc quan trọng diễn ra vào ngày 3/3/1959. Khi đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang được thành lập, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Ông chính là vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

thieu-tuong-phan-trong-tue-2
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Phó Chính ủy BĐBP, dâng hương Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí (7/7/1917 - 7/7/2017) tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: Bảo Hà

Thời kỳ đầu đó, gian nan là điều không thể tránh khỏi. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang vừa phải củng cố xây dựng đồn, trạm Biên phòng, vừa phải chỉ đạo tiễu phỉ, đánh gián điệp, biệt kích ngoài biên giới, giới tuyến. Sau khi rời xa lực lượng Công an nhân dân vũ trang để làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí vẫn luôn trăn trở và suy nghĩ về công tác bảo vệ biên giới, lo lắng từng li từng tí cho người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo.

Theo Báo Biên Phòng