Khám phá mới

Thân thế vị Đại tướng duy nhất của Việt Nam là người Bắc Ninh, từng có chuyến thăm nước Mỹ lịch sử

Thân thế vị Đại tướng duy nhất của Việt Nam là người Bắc Ninh, từng có chuyến thăm nước Mỹ lịch sử

Từ một “tuổi thơ dữ dội”, vị Đại tướng này đã quyết tâm trả thù nhà, nợ nước. Sau này, ông đã thực hiện được lời hứa với đấng sinh thành, thậm chí còn vượt ngoài tưởng tượng. Ông còn là vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đầu tiên đến thăm Mỹ.

Tính đến hiện tại, Quân đội nhân dân Việt Nam có 16 Đại tướng. Trong số đó, chỉ có duy nhất một người đến từ Bắc Ninh. Ông là Đại tướng Phạm Văn Trà (sinh ngày 19/8/1935). Đại tướng có một tuổi thơ đầy nước mắt và mất mát vì sự ra đi của người thân.

Năm 1952, trong một trận càn quét của địch, cha đồng chí Phạm Văn Trà bị gãy chân còn chú ông thì qua đời. 1 năm sau, giặc lại xông vào nhà, cha đồng chí vì bị gãy chân mà không thể chạy được, cuối cùng bị chúng xả súng bắn chết. Khi đó, đồng chí Phạm Văn Trà đang đi du kích chống càn, nghe tin liền chạy về ôm lấy thi thể người cha còn ấm nóng. Ông nuốt nước mắt vào trong, thầm hứa với cha sẽ đi bộ đội để trả thù nhà, nợ nước.

dai-tuong-pham-van-tra-3
Đại tướng Phạm Văn Trà (SN 1935, quê Bắc Ninh), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Báo QĐND

Năm 17 tuổi, đồng chí Phạm Văn Trà khi đó là một cậu thanh niên thấp bé nhẹ cân, còn chưa đủ tuổi đi lính. Nhưng vì khao khát được đứng trong hàng ngũ quân đội, ông đã bỏ thêm đá vào quần, khai thêm tuổi. Bước vào chiến đấu, đồng chí Phạm Văn Trà không ngại khó, không ngại khổ, đối mặt với nguy hiểm vẫn rất gan dạ và mưu trí. Cũng vì thế mà ông thường được giao những nhiệm vụ quan trọng như ôm bộc phá đánh hàng rào và lô cốt đầu cầu…

Hơn nửa thế kỷ cầm súng ra trận, kinh nghiệm trận mạc của đồng chí Phạm Văn Trà vô cùng dày dặn. Trí thông minh, sự dũng cảm của ông càng khiến kẻ thù phải sợ hãi khi đối diện. Từ một người lính, ông dần thăng cấp lên làm chiến sĩ liên lạc, tổ trưởng 3 người, cán bộ cấp sư đoàn, quân khu, rồi Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay cho tướng Đoàn Khuê nghỉ hưu.

dai-tuong-pham-van-tra-5
Đại tướng Phạm Văn Trà phát biểu trong một buổi tham luận. Ảnh: Phước Tuấn

Nói đến Đại tướng Phạm Văn Trà, không thể không kể đến trận đánh ở chính quê hương Kinh Bắc của ông trong kháng chiến chống Pháp. Sau này ông còn là người bám trụ tại chiến trường Tây Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, rồi làm nhiệm vụ quốc tế trên Campuchia.

dai-tuong-pham-van-tra-6
Đại tướng Phạm Văn Trà. Ảnh: Việt Cường

Năm 2003, Đại tướng Phạm Văn Trà với cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ. Chia sẻ với Dân Việt trong một bài phỏng vấn, vị Đại tướng này tiết lộ, phía bạn đã đưa ra 3 câu hỏi hóc búa, nằm ngoài sự chuẩn bị của ông.

“Câu thứ nhất họ hỏi: Đề nghị ông giải thích tại sao tôi đi đến đâu cũng thấy nói sức mạnh của Việt Nam, ông giải thích sức mạnh của người Việt Nam là gì?

Câu hỏi thứ hai họ đặt vấn đề: Các ông hay nói quan tâm đến người dân nhưng kỳ thực không có quan tâm. Họ dẫn chứng đi từ Mục Nam Quan, Lạng Sơn đến mũi Cà Mau phải một tháng trời mới tới do đường xá quá xấu.

Câu hỏi thứ ba là họ đặt vấn đề Việt Nam vẫn còn giữ tù binh Mỹ”, Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại.

dai-tuong-pham-van-tra-4
Đại tướng Phạm Văn Trà trong một lần trò chuyện với báo chí. Ảnh: Ngọc Dương

Đứng trước tình huống này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam lại rất bình tĩnh đưa ra câu trả lời khiến phía bạn tâm phục khẩu phục:

“Trước khi trả lời câu hỏi thứ nhất tôi nghĩ nếu giải thích sức mạnh của người Việt Nam không khéo sẽ bị phía bạn vặn ngay. Tôi chỉ nói rất ngắn, Việt Nam có sức mạnh là nhờ chính quyền với nhân dân đồng tâm và đoàn kết nhau. Tôi trích dẫn chuyện sau Cách mạng Tháng Tám giành độc lập dân tộc Việt Nam phải đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách. Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã khẳng định chính quyền trước hết phải lo cho nhân dân. Năm 1945 nạn đói rất ghê gớm (hơn 2 triệu người chết đói), Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã tập trung chống đói trước tiên, ngoài việc phá kho thóc phát cho người dân còn phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói. Tiếp sau đó mới đến việc chống nạn mù chữ, thứ ba mới là chống giặc ngoại xâm.

Khi chính quyền gắn bó với dân, luôn luôn lấy người dân để phục vụ, thực sự đem lại lợi ích cho dân thì dân thấy cần phải bảo vệ chính quyền, nhờ đó chúng tôi có sức mạnh. Cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thắng lợi đều là từ sức mạnh của người dân. Khi nghe tôi trả lời như vậy họ không nói gì.

dai-tuong-pham-van-tra-2
Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng, trao tặng đồng chí Đại tướng Phạm Văn Trà Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Ảnh: Hồng Pha

Trước khi trả lời câu hỏi thứ hai, tôi hỏi lại các ngài đi năm nào, họ nói đi từ năm 1985. Tôi nói luôn, trong thế kỷ XX chúng tôi chỉ có 11 năm hòa bình. Từ đầu thế kỷ đến năm 1945, dân tộc chúng tôi bị thực dân Pháp cai trị. Từ năm 1945 sau khi giành độc lập, dân tộc Việt Nam lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp đến năm 1954. Sau năm 1954 đến 1975 là thời gian kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1975 -1989 là cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Tôi nói rõ như vậy để họ thấy, thực sự trong thế kỷ XX, Việt Nam chỉ có 11 năm hòa bình. Tôi nhấn mạnh nếu được hòa bình như nước Mỹ có lẽ chúng tôi cũng sẽ không kém gì, đất nước tôi như vậy là do chính các ông chứ không phải do chúng tôi.

Trả lời câu hỏi thứ ba, vị tướng dày dạn trận mạc đã thẳng thắn, đối với tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh, đất nước và dân tộc Việt Nam luôn luôn có thiện cảm, luôn luôn xem vấn đề đó là nhân đạo, không coi đó là vấn đề chính trị. Chúng tôi không bao giờ để chuyện tù binh Mỹ còn sống mà không trả lại. Tôi nhấn mạnh, nếu các ông thấy người lính Mỹ còn sống ở đâu trên đất nước Việt Nam, tôi với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng sẽ sẵn sàng dùng trực thăng đưa đến tận nơi”.

dai-tuong-pham-van-tra-1 
Đại tướng Phạm Văn Trà mong muốn những người con Kinh Bắc luôn phấn đấu học tập, công tác, góp phần xây dựng quê hương. Ảnh: An Trân

Hiện tại, tuy đã nghỉ hưu từ năm 2006 nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Ông là nhà sáng lập Quỹ Khuyến học, Khuyến tài Phạm Văn Trà, đồng thời làm Chủ tịch danh dự của Quỹ. Từ việc vận động ủng hộ xây dựng, Quỹ này đã hoạt động xuyên suốt 13 năm, khen thưởng tổng 26 tỷ đồng cho các học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc.  

Theo Dân Việt, Báo QĐND