Khám phá mới

Chân dung những vị tướng được Bác Hồ phong 76 năm trước: Có người duy nhất làm Đại tướng năm 37 tuổi

Có tất cả 11 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội được Bác Hồ ký Sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. 11 người đó là ai?

Năm 1947, chiến thắng Việt Bắc Thu Đông đầy vẻ vang là cột mốc lịch sử mới cho Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân nước ta nói riêng. Cũng sau dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương đã bàn với nhau về việc thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ Quân đội, cùng tặng thưởng huân chương cho những người lập được chiến công. Việc này nhằm động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn 2 năm chiến đấu.

Ngày 20/1/1948, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội. Có 11 người được phong hàm cấp tướng theo Sắc lệnh này.

Người đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013). Ông được xem là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1925, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng CSVN).

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - (ảnh TL).

Năm 1944, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ mới 33 tuổi, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. 4 năm sau, ở tuổi 37, ông nhận quân hàm Đại tướng. Trong lịch sử dân tộc, ông là người duy nhất là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Người thứ hai là Trung tướng Nguyễn Bình (1908 – 1951). Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ vào Nam Bộ, thống nhất các lực lượng vũ trang trong đó từ cuối năm 1945. Trung tướng Nguyễn Bình cùng ông Huỳnh Kim Trương đã thành lập Chi đội 1 – đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Nam Bộ. Sau này, Quân khu 7 được thành lập và Trung tướng Nguyễn Bình chính là Tư lệnh.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-2
Trung tướng Nguyễn Bình (người đeo kính - ảnh TL).

Người thứ ba là Thiếu tướng Nguyễn Sơn (1908 – 1956). Thiếu tướng Nguyễn Sơn nổi tiếng với danh xưng “lưỡng quốc tướng quân” (tướng quân của hai nước). Ông có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Ngoài ra, tướng Nguyễn Sơn còn được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-3
Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (ảnh TL).

Người thứ tư là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1906 – 1986). Ông từng là Chỉ huy trưởng mặt trận Bắc Kạn và Tuyên Quang, lãnh đạo quân đội chống lại cuộc tấn công đầu tiên của Pháp vào căn cứ Việt Bắc. sau này, Thiếu tướng Lê Thiết hùng còn làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Pháo binh, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Sĩ quan Pháo binh kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng không. Đến năm 1963, tướng Lê Thiết Hùng chuyển sang làm việc ở lĩnh vực đối ngoại.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-4
Tướng Lê Thiết Hùng (ảnh TL).

Người thứ năm là Thiếu tướng Chu Văn Tấn (1909 – 1984). Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được binh sĩ Pháp đặt biệt danh là “Hùm xám Bắc Sơn).

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-5
Tướng Chu Văn Tấn (ảnh TL).

Người thứ sáu là Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915 – 1968). Ông là đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, dưới sự chỉ huy chung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được phong hàm Thiếu tướng vào năm 33 tuổi.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-6
Tướng Hoàng Sâm (bên trái ảnh -ảnh TL).

Người thứ bảy là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (1915 – 1986). Ông chính là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về sau, tướng Hoàng Văn Thái được phong hàm Đại tướng và từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-7
Tướng Hoàng Văn Thái (ảnh TL).

Người thứ tám là Thiếu tướng Lê Hiến Mai (1918 – 1992). Chuyện kể rằng tướng Lê Hiến Mai có hàm răng hô nên mọi người thường trêu ông là “mái hiên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết chuyện đã gọi ông lên, đặt cho bí danh mới theo cách nói lái là Hiến Mai. Cái tên này cũng theo ông suốt cuộc đời sau này.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-8
Tướng Lê Hiến Mai (ảnh TL).

Người thứ chín là Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002). Ông là Tổng Tham mưu trưởng lâu năm nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này, ông được phong hàm Đại tướng vào năm 1974 và từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giai đoạn 1980 – 1986.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-9
Tướng Văn Tiến Dũng (ảnh TL).

Người thứ mười là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (1913 – 1997). Ông chính là người đã theo Bác Hồ về nước để tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội ta ở Việt Bắc. Cái tên Trần Đại Nghĩa cũng chính Bác đặt cho vị tướng này (tên thật của ông là Phạm Quang Lễ). Tướng Trần Đại Nghĩa được Hồ Chủ tịch giao cho giữ chức Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam). Nhắc đến vị tướng này là phải nhắc đến những loại vũ khí nổi tiếng như đạn Bazoka, súng SKZ, bom bay…

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-10
Tướng Trần Đại Nghĩa (ảnh TL).

Người cuối cùng là Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967). Ông chính là người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, làm nên một “Phú Riềng đỏ” oai hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

cac-vi-tuong-duoc-bac-ho-phong-11
Tướng Trần Tử Bình (ảnh TL).