Nữ sinh đầu tiên của Việt Nam đạt giải ở Olympic Toán quốc tế: Gia thế khủng nhưng không bị áp lực
Bắt đầu tham gia Olympic Toán quốc tế (IMO) từ năm 1974, đến nay sau hơn 47 lần tham dự, Việt Nam đã nhiều lần chứng minh được khả năng toán học với những tài năng của đất nước khi nhiều lần xếp thứ hạng cao ở cuộc thi này.
Đáng nói, trong lịch sử các thí sinh đã từng đại diện Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) đa phần là thí sinh nam. Từ năm 1974 đến nay, mới chỉ có 12 thí sinh nữ của Việt Nam tham dự IMO và đều đoạt giải ( 4 huy chương bạc và 8 huy chương đồng).
Phan Vũ Diễm Hằng - IMO 1975 - Huy chương Đồng
Nguyễn Thị Thiều Hoa - IMO 1976 - Huy chương Bạc
Nguyễn Thị Minh Hà - IMO 1984 - Huy chương Đồng
Phan Thị Hà Dương - IMO 1990 - Huy chương Đồng
Nguyễn Thuỳ Linh - IMO 1992 - Huy chương Đồng
Phạm Chung Thuỷ - IMO 1993 - Huy chương Đồng
Đào Thị Thu Hà - IMO 1998 - Huy chương Đồng
Nguyễn Phi Lê - IMO 2000 - Huy chương Bạc Đỗ Thị Thu Thảo - IMO 2008 - Huy chương Bạc
Vương Nguyễn Thuỳ Dương - IMO 2014 - Huy chương Bạc
Nguyễn Thị Việt Hà - IMO 2015 - Huy chương Đồng
Chu Thị Thanh - IMO 2020 - Huy chương Đồng.
Đáng nói, nữ sinh Việt Nam đầu tiên tham gia IMO là ThS Phan Vũ Diễm Hằng. Bà đã tham gia cuộc thi này vào năm 1975 và là nữ thí sinh duy nhất trong 8 thí sinh Việt Nam lên đường sang Bungari dự thi Olympic Toán Quốc tế. ThS Phan Vũ Diễm Hằng chính là nữ sinh đầu tiên của Việt Nam đạt giải ba tại IMO. Bà cũng là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhiệm kỳ 1955-1973.
Từ lớp 6, dưới mái trường Trưng Vương, Hà Nội, Phan Vũ Diễm Hằng đã bắt đầu niềm đam mê cũng như hành trình theo đuổi môn toán. Dù học giỏi đều cả Toán và Văn nhưng chính nhờ cách thức dạy học gợi mở của thầy giáo Lê Mộng Ngọc đã khiến nữ sinh hồi đó quyết định đi theo toán học.
Bà Diễm Hằng từng chia sẻ: “Có những đề toán tôi tìm được vài cách giải, thầy giáo khích lệ thành ra mình hứng thú. Mình cứ thế học tiếp, như kiểu bản năng. Thích thú đến nỗi có những lời giải mình tìm thấy trong giấc mơ”.
Lúc đó, tuy là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng thời đó nhưng bà không đặt nặng áp lực phải học giỏi, cách bà đến với môn toán vô cùng tự nhiên.
Chính tình yêu toán học đã dẫn lối bà học ở lớp Chuyên Toán A0, Đại học Tổng hợp hiện tại là trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong số 21 học sinh lớp Chuyên toán A0 năm đó chỉ có bà và một bạn nữa là nữ. Đáng nói, bà là thí sinh nữ duy nhất được lựa chọn là 1 trong 8 đại diện dự thi Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1975. Đây là lần thứ 2 mà Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế.
Dù suốt cả tháng trời không có thiết bị liên lạc về nhà và chỉ có một mình là nữ trong đoàn nhưng bà vẫn không hề lo lắng gì.
“Chắc cuộc sống quen với không có thông tin, ở nhà vẫn quen chiến tranh phải đi sơ tán biền biệt, vả lại dân toán khá khô khan nên mới vậy”, “Thực ra mình nghĩ so với cuộc sống khó khăn trong nước khi ấy, bọn mình đã thấy được ưu tiên hơn rồi”- bà Hằng từng chia sẻ.
Đạt giải vào đúng năm lịch sử đất nước thống nhất, Phan Vũ Diễm Hằng cho rằng đây chính là sự may mắn đến tình cờ: “Đó là sự tình cờ may mắn góp cho niềm vui chung của dân tộc. Còn bản thân chúng tôi khi ấy chỉ nghĩ đơn giản là một việc được giao và mình hoàn thành”.
Sau khi đạt HCĐ tại Olympic toán năm 1975, Phan Vũ Diễm Hằng đã học đại học tại MGU, Liên Xô. Bà công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ TW trong khoảng thời gian 16 năm. Đến năm 1997, bà đã xin ra ngoài làm cho chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc cũng như các chương trình, dự án, tư vấn độc lập về y tế công cộng…
Khi nghỉ hưu, bà Hằng cũng đã sáng lập ra nhóm Ong Chăm với mục đích thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là quan tâm tới việc học tập, phát triển của trẻ em nơi đây…
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ
Một bài toán cực khó của một thầy giáo Việt Nam đã ghi danh vào lịch sử của cuộc thi Olympic toán học quốc tế, chỉ có 20 thí sinh tham dự giải được.