Vị vua nào 'ham chơi' nhất triều đại nhà Trần, từng nhận cống phẩm là một con kiến?
Triều đại nhà Trần được xem là một triều đại rực rỡ, để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử phong kiến nước ta. Vị vua đầu tiên của nhà Trần chính là vua Trần Thái Tông, đăng cơ vào tháng 12/1225. Xuyên suốt 175 năm với 12 đời vua Trần, vua Trần Thái Tông được xem là người đã đặt nền móng cho một triều đại lừng lẫy, là người vừa tài giỏi xuất chúng khi trực tiếp cầm quân và đem lại đại thắng trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất, vừa nhân hậu, đức độ, yêu dân như con.
Thời Trần không thiếu những vị vua tài đức vẹn toàn nhưng cũng có một số bậc quân vương ăn chơi trác táng, chỉ biết thỏa mãn bản thân mà không lo lắng cho dân chúng, vua Trần Dụ Tông là một ví dụ điển hình. Ông là hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Trần, là anh em ruột với vua tiền nhiệm Trần Hiến Tông (con trai vua Trần Minh Tông). Trần Dụ Tông sa đà vào con đường ăn chơi từ năm 26 tuổi. Vua không ngại vung tiền sai người đào hồ trong cung để thả cá mua vui, đặc biệt còn đam mê đánh bạc bất chấp luật lệ.
Được biết, Trần Dụ Tông thường xuyên cho gọi các nhà giàu trong nước vào cung đánh bạc, sai các Vương hầu và Công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui và ban thưởng hậu hĩnh cho những ai diễn hay, làm vua hài lòng. Sử gia Phan Phu Tiên từng nhận xét về thói ăn chơi của vua Trần Dụ Tông như sau: “Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc thế mà đến đời Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà rồi mất nước”.
Thời vua Trần Dụ Tông trị vì, có một câu chuyện lạ kì được truyền lại đến ngày nay. Có lần người Chiêm Thành dâng cống phẩm lên vua, thông thường thì cống phẩm sẽ toàn những món đồ quý báu, trân châu, dị thảo nhưng lần này lại khác hẳn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 3/1352, Chế Mỗ nước Chiêm Thành chạy sang ta, dâng voi trắng, ngựa trắng mỗi thứ một con và một con kiến lớn (dài 1 thước 9 tấc) cùng các cống vật, xin nước ta đem quân đánh Trà Hòa Bố Để mà lập y làm quốc vương”. Lạ hơn cả là vua chấp nhận cống phẩm này.
Đời sau nhiều người cho rằng vua Trần Dụ Tông là người ham vui, tuy nhiên sử sách lưu lại rằng: “Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp; từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó” (Đại Việt sử ký toàn thư)". Như vậy, Trần Dụ Tông vốn là người có tư chất cao nhưng sau này vì quá sa đà vào các thú vui cá nhân, bỏ bê chính sự mới dẫn đến cơ sự mất nước.
Bức thư 'phong ấn' bằng bê tông ở thủy điện Hòa Bình: Viết trên giấy Liên Xô, năm 2100 mới được mở
Nội dung bên trong bức thư bí ẩn đặt trước Nhà máy thủy điện Hòa Bình thực chất đã được bật mí từ lâu.